Quân đội Đức cân nhắc tuyển dụng lính ngoại quốc

7 năm sau khi từ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Đức đối mặt sự thiếu hụt nhân lực trong quân ngũ và đang có kế hoạch tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng quân đội.

Tướng Eberhard Zorn, Tham mưu trưởng Bộ quốc phòng Đức, cho biết quân đội nước này đang xem xét tuyển dụng nhân lực nước ngoài cho một số vị trí đặc biệt như bác sĩ và chuyên gia công nghệ thông tin.

Ông Zorn cho biết: "Trong thời điểm thiếu hụt lao động, chúng ta phải tìm kiếm từ mọi hướng". Báo Der Spiegel ngay sau đó cũng công bố một tài liệu cho thấy kế hoạch tuyển mộ công dân của các nước châu Âu khác vào làm việc trong quân đội Đức.

Theo tờ báo này, quân đội Đức sẽ tăng cường một số lượng lớn nhân lực trong độ tuổi từ 18 đến 40. Tài liệu được công bố có nhắc tới khoảng 2 triệu người Ba Lan, Italy và Romania đang sinh sống tại Đức, cho rằng đây là nhóm ứng viên tiềm năng.

132 1 Quan Doi Duc Can Nhac Tuyen Dung Linh Ngoai Quoc

Quân đội Đức tập luyện ở một khu rừng tại Viereck. Ảnh: Reuters

Lực lượng vũ trang CHLB Đức hiện có 180.000 lính, bằng khoảng 1/3 so với quân đội của Tây Đức vào năm 1990. Chính phủ của bà Merkel đã cam kết thực hiện kế hoạch mở rộng quân đội trong những năm tới.

Đã có những cuộc tranh luận công khai về vấn đề liệu những người nước ngoài có thể gia nhập lực lượng quân đội Đức hay không. Đức hiện là một quốc gia hiện đại, thân thiện với người nhập cư và có vai trò quan trọng trong Liên minh châu Âu. Tháng 7 năm ngoái, các chính trị gia đã tranh luận gay gắt về việc liệu quân nhân nước ngoài có nên được nhập quốc tịch Đức khi gia nhập quân đội nước này hay không.

Cũng giống như các quốc gia NATO khác, Đức bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc chi tiêu quá ít cho quốc phòng. Trong khi đó quân đội Đức hiện cũng đang gặp khó khăn vì những thiết bị quân sự không được bảo trì. Quân đội nước này đã phải thu thập tấp cả mọi thứ từ xe tăng cho đến áo giáp để có thể tham dự cuộc tập trận chung NATO ở Na Uy năm nay.

Từ năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khi đó là bà Ursula von der Leyen đã cố gắng kích thích tỷ lệ việc đi lính tự nguyện bằng việc giúp quân đội trở nên hiện đại và thu hút hơn.

Mặc dù đã có một số sư đoàn Đức với sự có mặt của các lữ đoàn đến từ quốc gia khác, nhưng kế hoạch đang được xem xét sẽ lần đầu tiên đưa những người ngoại quốc vào mặc đồng phục quân đội Đức kể từ Thế chiến 2.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và nước Đức thống nhất, nhu cầu binh sĩ giảm đi và chính phủ nước này chủ động thu hẹp lực lượng quân đội. Nghĩa vụ quân sự vẫn là bắt buộc nhưng thời gian tối thiểu được giảm từ 18 xuống còn 6 tháng. Đến năm 2011 thì Đức chấm dứt chế độ nghĩa vụ bắt buộc này.

132 2 Quan Doi Duc Can Nhac Tuyen Dung Linh Ngoai Quoc
Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen và các binh sĩ Đức vào năm 2014. Ảnh: Reuters.

Bộ mặt của quân đội Đức cũng thay đổi rất nhiều kể từ sau Chiến tranh Lạnh, lực lượng này tập trung nhiều hơn vào an ninh mạng và phát triển các lực lượng đặc biệt. Số lượng phụ nữ trong quân ngũ tăng lên và vì nước Đức phát triển sự đa dạng sắc tộc nên quân đội cũng vậy.

Nhưng việc thu hút những người trẻ tuổi được đào tạo chuyên nghiệp vào quân đội Đức đang ngày càng khó khăn hơn.

Khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp phải vấn đề này, nền kinh tế Đức vẫn đang phát triển nhưng dân số trong độ tuổi lao động thì lại giảm đi. Ông Karl Brenke, chuyên gia nghiên cứu lực lượng lao động tại Viện nghiên cứu Kinh tế Đức cho biết, các nhà tuyển dụng Đức thường xuyên phải thuê nhân công nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia Đông Âu thuộc EU.

Hơn một nửa số lao động được thuê trong những năm gần đây đến từ nước ngoài, ông Brenke cho biết.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày