Trong ngày công bố quyết định từ giã ĐT Đức, Mesut Ozil đã viết một bức tâm thư bày tỏ rất nhiều suy nghĩ và tiết lộ những điều gây bất ngờ. Chúng tôi xin được dịch và đăng tải:
I. Gặp gỡ Tổng thống Erdogan
Vài tuần vừa rồi là thời gian để tôi suy nghĩ, xem xét lại các sự kiện xảy ra trong vài tháng qua. Tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về mọi chuyện.
Giống như rất nhiều người, gia đình tôi không chỉ liên quan đến một đất nước. Tôi lớn lên tại Đức, nhưng tổ tiên tôi là người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi có 2 trái tim, một cho Đức và một cho TNK. Hồi nhỏ, mẹ thường dạy tôi phải trân trọng và không được quên nguồn gốc, đó là những điều theo tôi đến tận bây giờ.
Tháng 5 vừa rồi, tôi gặp Tổng thống TNK Erdogan tại London, trong một sự kiện dành cho từ thiện và giáo dục. Chúng tôi gặp nhau lần đầu hồi năm 2010, sau khi ông và Thủ tướng Merkel cùng xem trận đấu giữa Đức và TNK ở Berlin. Kể từ lần đó, chúng tôi gặp lại nhau vài lần ở nhiều nơi trên thế giới.
Ozil chụp hình cùng Tổng thống Erdogan.
Tôi ý thức được rằng bức ảnh giữa chúng tôi sẽ khiến truyền thông Đức nổi sóng, và trong khi nhiều người nói tôi dối trá, thì tôi phải khẳng định lại rằng bức ảnh không hề có chút ý đồ chính trị.
Như tôi đã nói, mẹ tôi không bao giờ muốn tôi quên đi gốc gác, truyền thống của gia đình. Với tôi, bức ảnh cùng Tổng thống Erdogan không liên quan đến chính trị hay bầu cử, nó đơn giản là sự tôn trọng dành cho người đứng đầu đất nước của tổ tiên tôi.
Tôi là một cầu thủ, không phải chính trị gia, cuộc gặp giữa chúng tôi không dính dáng gì đến chính trị. Trên thực tế, tôi và ngài tổng thống nói chuyện về chủ đề mà chúng tôi vẫn luôn bàn luận: bóng đá, khi còn trẻ ông ấy cũng là một cầu thủ.
Mặc dù báo chí Đức cố miêu tả khác đi, sự thật là nếu tôi không gặp ngài tổng thống thì tôi sẽ là kẻ thiếu tôn trọng tổ tiên mình, những người mà tôi biết rằng sẽ tự hào về những gì tôi đã làm.
Tôn trọng lẫu nhau là điều mà tôi tin chắc Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Theresa May thể hiện khi đón tiếp ông Erdogan tại London. Kể cả đó là Tổng thống TNK hay Đức, cách hành xử của tôi cũng sẽ không khác nhau.
Tôi biết sẽ rất khó để mọi người hiểu, trong hầu hết nền văn hóa, mọi người đánh đồng vị trí lãnh đạo nhà nước với người đang đương nhiệm. Nhưng trường hợp này thì khác. Dù cho kết quả cuộc bầu cử vừa diễn ra hay trước đó nữa thế nào, tôi vẫn sẽ chụp bức ảnh đó.
II. Truyền thông và các nhà tài trợ
Tôi biết tôi là cầu thủ đã chơi tại 3 giải VĐQG được coi là khắc nghiệt hàng đầu thế giới. Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ từ đồng đội và BHL tại Premier League, La Liga và Bundesliga. Và trong suốt sự nghiệp, tôi đã học được cách thỏa hiệp với truyền thông.
Rất nhiều người nói về phong độ của tôi – khen nhiều, mà chê cũng nhiều. Nếu một tờ báo tìm thấy một sai sót của tôi trong trận đấu, tôi chấp nhận, tôi không phải cầu thủ hoàn hảo và sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn nữa.
Nhưng điều tôi không thể chấp nhận là cái cách mà truyền thông Đức nhai đi nhai lại về việc tôi là người mang 2 quốc tịch và coi tôi như biểu tượng thất bại.
Ozil bị quy là nguyên nhân chính khiến Đức bị loại từ vòng bảng World Cup 2018.
Báo chí Đức dùng gốc gác của tôi và bức hình cùng Tổng thống Erdogan như một vũ khí tuyên truyền về chính trị. Tại sao họ dùng tên tôi, ảnh tôi trên những trang bìa nói về thất bại trên đất Nga?
Họ không chỉ trích phong độ của tôi, không chỉ trích phong độ của toàn đội, họ chỉ đâm chọc nguồn gốc TNK của tôi và cố tôn lên những gì nước Đức mang lại cho tôi. Nói cách khác, họ cố lôi cả nước Đức chống lại tôi.
Một điều nữa làm tôi thất vọng là tiêu chuẩn kép. Lothar Matthaus (một người từng làm đội trưởng ĐT Đức) gặp một nhà lãnh đạo vài ngày sau, chẳng ai thèm nói một lời cả.
Nếu truyền thông cảm thấy tôi nên bị đuổi khỏi ĐT Đức, vậy ông ta có nên bị tước danh hiệu đội trưởng danh dự không? Hay vì dòng máu TNK, tôi trở thành mục tiêu đáng giá hơn?
Mới đây, tôi có kế hoạch về thăm lại trường cũ tại Đức cùng 2 đối tác từ thiện. Tôi tổ chức một dự án cho trẻ nhập cư, trẻ em nghèo và những đứa trẻ khác chơi bóng cũng như học các quy tắc xã hội.
Thế nhưng, vài ngày trước chuyến đi, tôi bị 2 "đối tác" đó bỏ bom, không ai muốn đi cùng tôi nữa. Cay đắng hơn, ngôi trường cũ cũng nói rằng họ không cần tôi xuất hiện lúc này vì sợ truyền thông. Tôi cảm thấy vô cùng tổn thương, thấy mình thật vô dụng, vô giá trị với ngôi trường.
Sự thất vọng của Ozil sau một trận đấu tại World Cup.
Một nhà tài trợ của LĐBĐ Đức cũng đồng thời hủy bỏ mọi hình ảnh của tôi trong video quảng cáo sản phẩm dịp World Cup 2018. Họ gọi đó là động thái "xử lý khủng hoảng". Tôi biết sản phẩm của họ thời điểm đó có những thành phần bất hợp pháp, gây nguy hiểm cho khách hàng và bị một bộ trưởng Đức vạch trần.
LĐBĐ Đức chọn cách chỉ trích tôi và không hề yêu cầu nhà tài trợ kia phải giải trình chút nào. Tại sao lại vậy? Hay là chuyện tôi chụp ảnh với tổng thống đất nước của tổ tiên mình nghiêm trọng hơn việc hàng trăm nghìn sản phẩm của nhà tài trợ bị buộc thu hồi?
Vẫn có những nhà tài trợ sát cánh với tôi trong thời điểm khó khăn. Cùng nhau, chúng tôi giúp đỡ nhiều trẻ em tại Nga, như đã từng làm tại Brazil và Nam Phi. Vậy nhưng, truyền thông không nhìn thấy điều đó, họ thích nhắc đi nhắc lại tấm ảnh kia hơn.
III. LĐBĐ Đức
Điều khiến tôi cảm thấy giận dữ nhất vài tháng qua là thái độ ngược đãi từ LĐBĐ Đức, cụ thể là Chủ tịch Reinhard Grindel. Sau bức ảnh với Tổng thống Erdogan, HLV Joachim Loew bắt tôi cắt ngắn kỳ nghỉ, về Berlin để cùng đưa ra một thông báo chung nhằm chấm dứt sự việc.
Chủ tịch LĐBĐ Đức Reinhard Grindel.
Trong khi tôi cố gắng giải thích về nguồn gốc, tổ tiên, truyền thống gia đình mình, Grindel lại chỉ nói về quan điểm chính trị của ông ta, coi thường mọi lời nói từ tôi.
Cuối cùng, chúng tôi đi đến quyết định chỉ tập trung vào bóng đá và World Cup. Đó là lý do tôi vắng mặt trong cuộc gặp gỡ truyền thông trước World Cup. Tôi biết các phóng viên sẽ tấn công tôi với những câu hỏi về chính trị dù Bierhoff đã yêu cầu họ dừng lại.
Cũng trong thời gian đó, tôi gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Không giống như Grindel, ngài tổng thống rất cởi mở và tỏ ra hứng thú khi nghe tôi kể về gia đình, tổ tiên mình. Tôi vẫn nhớ cuộc gặp có ngài tổng thống, tôi, Gundogan và Grindel ngạc nhiên khi không được phép mở miệng nói về quan điểm chính trị của ông ta.
Cho đến khi World Cup khép lại, Grindel chịu nhiều áp lực vì những quyết định đưa ra trước giải. Gần đây, ông ta lại một lần nữa yêu cầu tôi giải thích về thái độ thi đấu và trút hết tội lỗi lên đầu tôi. Mới lúc đội tuyển về Berlin, ông ta còn nói riêng với tôi rằng mọi chuyện dù sao cũng qua rồi.
Tôi sẽ không đóng vai một vật tế thần cho sự thiếu năng lực trong công việc của Grindel nữa. Tôi biết ông ta muốn đuổi tôi khỏi đội tuyển sau bức ảnh kia và còn công khai thể hiện quan điểm trên mạng xã hội mà không suy nghĩ đến hậu quả. Nhưng HLV Joachim Loew và Bierhoff đứng bên và ủng hộ tôi.
Ngoài Ozil, ĐT Đức những năm gần đây có nhiều ngôi sao gốc gác nước ngoài như Podolski, Klose (cùng Ba Lan), Mario Gomez (Tây Ban Nha), Boateng (Ghana), Khedira (Tunisia).
Trong mắt Grindel và những kẻ ủng hộ ông ta, tôi là người Đức khi đội tuyển thắng, và là một thằng nhập cư khi đội tuyển thất bại. Tôi không được chấp nhận, dù trả tiền thuế ở Đức, quyên góp xây trường học ở Đức, vô địch World Cup cùng ĐT Đức. Tôi bị ngược đãi vì "khác biệt".
Tôi nhận giải thưởng Bambi năm 2010 vì là hình mẫu về sự hòa nhập trong xã hội Đức, tôi nhận giải Vòng nguyệt quế bạc năm 2014 (giải thưởng cao nhất về thể thao tại Đức), tôi là Đại sứ bóng đá Đức năm 2015. Và rồi, tôi vẫn không phải người Đức?
Ozil và chức vô địch World Cup 2014.
2 người bạn Klose và Podolski của tôi chưa bao giờ bị giới thiệu là là người Đức gốc Ba Lan. Vậy sao người ta luôn nhấn mạnh tôi là người Đức gốc Thổ? Vì đó là TNK? Vì đó là hồi giáo? Tôi sinh ra và được giáo dục ở Đức. Vậy tại sao họ không coi tôi là người Đức?
Những người cùng ý tưởng với Grindel có ở khắp nơi. Tôi từng bị Bernd Holzhauer (một chính trị gia Đức) gọi là "kẻ làm chuyện ấy với dê" khi biết tôi chụp ảnh với ông Erdogan ("kẻ làm chuyện ấy với dê": một cách gọi sỉ nhục người hồi giáo nhập cư tại Đức). Werner Steer, Giám đốc nhà hát Đức, từng bảo tôi hãy đi tiểu vào Anatolia (Tiểu Á), nơi xuất phát của nhiều người nhập cư.
Những kẻ này nhìn tấm hình của tôi và ông Erdogan như một cơ hội để biểu lộ sự phân biệt chủng tộc to lớn luôn ẩn giấu, điều này nguy hiểm cho xã hội. Họ chẳng khác nào các khán giả Đức mắng chửi tôi trong trận gặp Thụy Điển kiểu như "Ozil, thằng người Thổ, biến đi". Đó là còn chưa kể vô số cuộc gọi, thư điện tử và bình luận tồi tệ trên mạng xã hội tôi và gia đình phải đón nhận.
Những kẻ đó tôn vinh một nước Đức của quá khứ đã qua, một nước Đức không mở cửa với các nền văn hóa khác. Tôi tin rằng rất nhiều người Đức cởi mở với thế giới sẽ đồng ý với tôi.
Về phần ông, Reinhard Grindel, tôi thất vọng nhưng không quá bất ngờ về ông đâu. Ông đã từng có những hành động chống lại những người đa quốc tịch và còn lo sợ đạo hồi phát triển ở Đức. Điều đó là không thể chấp nhận và sẽ không bị lãng quên đâu.
Một kẻ phân biệt chủng tộc như thế không được phép làm việc tại LĐBĐ lớn nhất thế giới và có rất nhiều cầu thủ đa quốc tịch mới phải.
Những sự đối xử tệ hại mà tôi phải nhận từ LĐBĐ Đức thúc giục tôi đưa ra quyết định từ giã ĐT Đức. Tôi cảm thấy mình không được đón nhận và những đóng góp của tôi từ năm 2009 đến nay đã bị người ta quên sạch
Tôi từng mặc chiếc áo ĐT Đức với niềm tự hào to lớn, nhưng bây giờ không còn nữa. Quyết định này vô cùng khó khăn, vì tôi luôn hết mình với đồng đội, BHL và những người Đức biết cảm thông.
Nhưng khi các quan chức LĐBĐ Đức ngược đãi tôi, xúc phạm nguồn gốc TNK của tôi và lôi tôi vào với mục đích chính trị, tôi sẽ không ngồi yên bởi đó không phải là lý do tôi chơi bóng. Phân biệt chủng tộc sẽ không bao giờ được chấp nhận.
Ký tên: Mesut Ozil
© 2024 | Thời báo ĐỨC