Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Vladimir Pistorius, đã châm ngòi cho cuộc tranh luận khi nói rằng, theo ý kiến của ông, “việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự bắt buộc là một sai lầm”.
Cuộc khảo sát được diễn ra trong bối cảnh khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo dài được hơn một năm, thực hiện bởi tập đoàn Ipsos MORI – một công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia tại Paris.
Trong tổng số 1.000 cử tri đủ điều kiện ở độ tuổi từ 18 đến 75 trên toàn quốc tham gia khảo sát, 61% cử tri ủng hộ áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, với 43% trong số đó tin rằng nghĩa vụ bắt buộc nên áp dụng cho mọi giới tính, 18% còn lại cho rằng chỉ nên áp dụng cho nam giới.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy ở những người lớn tuổi – nhóm tuổi không còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự – có nhiều khả năng ủng hộ ý tưởng này hơn những người trẻ.
Điều này được thể hiện rõ rệt nhất ở độ tuổi 60-75, với 47% ủng hộ cho cả hai giới và 18% khác nói rằng chỉ nên áp dụng cho nam giới. Tỉ lệ này lần lượt chỉ là 39% và 21% với nhóm tuổi từ 18-39.
Trên phương diện giới tính, nam giới cũng tỏ ra ủng hộ nghĩa vụ quân sự bình đẳng cho cả hai giới với 49%, trong khi ở phụ nữ chỉ là 36%, dẫn đến ý kiến này không nhận được sự ủng hộ đa số.
Đức đã không bãi bỏ hoàn toàn các quy định về nghĩa vụ quân sự của mình vào năm 2011, chúng chỉ bị đóng băng vô thời hạn cho đến thời điểm khẩn cấp như chiến tranh.
Trong khoảng thời gian trên, vẫn có những lựa chọn thay thế cho nghĩa vụ quân sự dành cho những nam thanh niên, thường liên quan đến công việc tại một tổ chức dân sự như nhà thờ hoặc trường học.
The DW
© 2024 | Thời báo ĐỨC