Lễ hội Ánh sáng, sự kiện thường niên diễn ra lần đầu năm 2005, sẽ kéo dài đến ngày 16/10. Lễ hội thu hút hơn hai triệu lượt khách đến thủ đô Berlin mỗi mùa thu, theo các đơn vị tổ chức.
Sự kiện năm nay gây tranh cãi bởi Đức cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt một cuộc khủng hoảng năng lượng, liên quan đến chiến sự ở Ukraine.
Phe chỉ trích kêu gọi hủy sự kiện, cho rằng đây là tấm gương xấu trong bối cảnh Đức đang cố gắng thoát phụ thuộc năng lượng Nga bằng các biện pháp tiết kiệm.
Trong khi đó, các đơn vị tổ chức nói họ đã giảm 75% năng lượng tiêu thụ so với năm ngoái, chủ yếu nhờ dùng đèn LED và trang trí đơn giản hơn, và điện sử dụng đều từ năng lượng tái tạo. Đèn sẽ được tắt lúc 23h, sớm hơn một giờ so với mọi năm, và chỉ chọn 35 khu vực trình diễn ánh sáng, trong khi những năm trước là 100.
Cung điện Charlottenburg ở thủ đô Berlin được thắp sáng ngày 6/10 để kiểm tra trước Lễ hội Ánh sáng diễn ra. Ảnh: AFP.
Chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz đã triển khai các biện pháp trên khắp Đức nhằm tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Berlin hồi tháng 8 bắt đầu tắt đèn chiếu sáng tại khoảng 200 tòa nhà và tượng đài lịch sử, như tòa thị chính, Nhà hát Opera Quốc gia.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 30/9 cảnh báo tình hình nguồn cung năng lượng nước này”cực kỳ căng thẳng”, dù đã thiết lập một lá chắn phòng vệ 200 tỷ euro.
Để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, Berlin hồi tháng 7 đặt ra một loạt mục tiêu nhằm giúp các kho dự trữ khí đốt đạt 95% công suất vào tháng 11. Chính phủ Đức còn đề xuất cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn, cân nhắc giảm xuất khẩu điện trong mùa đông tới.
Cơ quan quản lý năng lượng Đức ngày 6/10 cho biết các cơ sở dự trữ khí đốt tại nước này đã đạt 92% công suất.
Theo VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC