Trong chiến tranh hiện đại, xe tăng vẫn được coi là một trong những phương tiện tác chiến hiệu quả. Do đó, ngoài việc phát triển các mẫu xe tăng chủ lực mới, nhiều nước tiếp tục cải tiến các mẫu xe tăng đã được sản xuất từ rất lâu. Với mong muốn tăng cường sức mạnh cho lực lượng xe tăng, nước Đức đang có kế hoạch hiện đại hoá loạt xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 lên tiêu chuẩn A7V.
“Chiến binh” hạng nặng
Tờ báo của Đức Die Welt lưu ý, những chiếc Leopard 2 mới có cùng tên với “quái vật” A7V – loại xe tăng đầu tiên của Đức được sản xuất hàng loạt đã từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Leopard 2 A7V là phiên bản mới nhất của gia đình xe tăng Leopard 2, được sản xuất từ năm 1979. Đối với quân đội, Leopard 2 là một cỗ máy bánh xích huyền thoại. Ngoài ra, mẫu xe tăng này cũng là một trong những mặt hàng vũ khí bán chạy nhất. Cỗ máy chiến đấu này của Đức với các phiên bản cải tiến khác nhau đang phục vụ trong trang bị của hơn 10 nước trên thế giới.
Xe tăng Leopard 2. Nguồn: Reuters.
Theo Hãng tin RT, Leopard 2 là một mẫu xe tăng hạng nặng được trang bị hỏa lực mạnh với khẩu pháo 120mm Rheinmetall. “Con quái vật” nặng 63 tấn được trang bị động cơ diesel MB 873 với công suất 1.500 mã lực. Trên đường cao tốc, Leopard 2 có thể đạt vận tốc lên đến 72 km/h và trên chiến trường, cỗ xe này có thể vượt qua được những chướng ngại vật cao hơn 1m.
Khác với những “người tiền nhiệm”, mẫu cải tiến Leopard 2 А7V sẽ được trang bị những khẩu pháo hiện đại hơn, một khẩu súng máy điều khiển từ xa, một máy phát điện diesel phụ trợ Steyr M12, hệ thống quản lý thông tin chiến đấu IFIS, hệ thống bảo vệ chống mìn và hệ thống ngụy trang đa phổ SAAB Barracuda.
Trong khi đó, chuyên gia khoa học quân sự Sergei Suvorov nhận xét trên RT: “Không có gì mới về mặt kỹ thuật trong Leopard 2 A7V. Hơn nữa, việc lắp đặt thêm thiết bị có thể làm tăng trọng lượng của xe tăng và điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng di chuyển”.
Sergei Suvorov giải thích, sau Chiến tranh Lạnh, các phiên bản cải tiến của mẫu xe tăng Đức ngày càng nặng. Theo ông, do quá quan tâm đến việc cải thiện sức mạnh của “áo giáp” ở mặt trước và tăng cường khả năng chiến đấu của Leopard 2, các kỹ sư Đức đã lắp đặt những loại vũ khí quá nặng trên xe tăng. Kết quả là Leopard 2 đã mất đi những ưu thế về khả năng cơ động. “Để đối phó với những chiếc xe tăng T-72 của Nga, cỗ máy đã được chứng minh không thể bị đạn dược của Đức xuyên thủng, Leopard 2 đã được tăng cường vũ khí và hệ thống bảo vệ. Nhưng cuối cùng, Leopard 2 với một động cơ đáng tin cậy đã trở nên quá chậm”, Sergei Suvorov cho biết.
Phương hướng phát triển chiến lược
Theo Hãng tin RT, trong gần 40 năm, kể từ năm 1979, ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã sản xuất được hơn 3.200 xe tăng Leopard 2, trong đó có khoảng 1/3 chiếc đã được xuất khẩu, số còn lại được chuyển đến cho Lực lượng Vũ trang Bundeswehr của nước này.
Sau Chiến tranh Lạnh, Đức ngừng sản xuất xe tăng cho quân đội và đưa ra một chương trình cắt giảm mức chi tiêu quân sự và vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), năm 1989, Đức có khoảng 5.000 xe tăng, trong đó có 2.000 chiếc Leopard 2. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, Lực lượng Vũ trang Bundeswehr chỉ sở hữu khoảng gần 3.000 xe tăng. Cũng trong năm 1990, Đức đã loại biên các mẫu xe tăng đời cũ và lên kế hoạch cải thiện khả năng chiến đấu của Leopard 2.
Phiên bản xe tăng Leopard 2 A7. Nguồn: AFP.
Trong những năm 2000, Bộ Quốc phòng Đức đã quyết định giảm số lượng xe tăng Leopard 2 một đáng kể. Theo IISS, trong năm 2005, Quân đội Đức có 2.398 xe tăng (hầu hết là Leopard 2). Số lượng xe tăng giảm rõ rệt ở các năm tiếp theo.
Trong năm 2014, Lực lượng Vũ trang Bundeswehr đã triển khai một chương trình nâng cấp đội xe tăng. Theo Tờ báo của Đức Die Welt, việc tăng cường các đơn vị xe tăng là một trong những phương hướng phát triển chiến lược của Quân đội Đức kể từ năm 2016. Đến năm 2017, Quân đội Đức có 286 Leopard 2A6 và 20 chiếc Leopard 2 A7 mới nhất, theo IISS. Trong tương lai, Quân đội Đức dự kiến sẽ tăng số lượng xe tăng lên 328 chiếc, gấp 1,5 lần so với số xe tăng hiện nay (220 chiếc ).
Tuy nhiên, ông Hans-Peter Bartels, Ủy viên phụ trách quân đội liên bang thuộc Quốc hội Đức thông báo, hiện nay, chưa đến một nửa số xe tăng đang phục vụ trong quân đội Đức có khả năng chiến đấu. Thiếu phụ tùng và chi phí bảo trì cao là nguyên nhân chính khiến lực lượng xe tăng rơi vào tình trạng không đạt yêu cầu.
Không quân và Hải quân Đức cũng gặp phải các vấn đề tương tự khi có tất cả 6 tàu ngầm và gần một nửa số tàu chiến của Hải quân Đức không có khả năng chiến đấu do cơ chế đảm bảo vật tư-kỹ thuật yếu kém.
“Đức có tiềm năng sản xuất và công nghệ rất lớn. Do đó, tôi tin rằng, Đức có khả năng thực hiện thành công kế hoạch tăng cường lực lượng xe tăng”, ông chuyên gia khoa học quân sự Sergei Suvorov nhận định.
“Xe tăng tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức tiến hành chiến tranh. Loại phương tiện tác chiến này không “sợ” những vũ khí bộ binh đơn giản. Với sự trợ giúp của xe tăng, lực lượng quân đội các nước có thể tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ của đối phương. Do đó, xe tăng vẫn là một phương tiện quan trọng để tiến hành các hoạt động quân sự”, chuyên gia Harald Potempa đến từ Trung tâm Lịch sử Quân sự và Khoa học Xã hội Bundeswehr ở Potsdam (Đức) cho biết.
THUỲ LINH
© 2024 | Thời báo ĐỨC