Nợ công tại Đức tăng trở lại

Ngày 28/9, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) thông báo trong quý II vừa qua, nợ công của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 25 tỷ euro (24 tỷ USD) lên mức 2.340 tỷ euro.

1 No Cong Tai Duc Tang Tro Lai

Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro.Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Destatis, mặc dù nợ công đã giảm nhẹ vào đầu năm nay, song nhu cầu tài chính của chính phủ liên bang cũng như các quỹ hỗ trợ đặc biệt vẫn không ngừng tăng lên do dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Đức hiện đang đặt mục tiêu trở lại ngân sách cân bằng (chi tiêu của chính phủ bằng nguồn thu từ thuế và các nguồn thu khác) vào năm 2023. Vì vậy, nước này sẽ áp dụng biện pháp “hãm phanh nợ” lần đầu tiên kể từ năm 2020, theo đó hạn chế các khoản vay mới.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết ông muốn duy trì áp dụng biện pháp “hãm phanh nợ” vào năm tới, dù chính phủ đang phải chi cho các gói hỗ trợ để kiểm soát lạm phát trên diện rộng.

Ông nhấn mạnh chống lạm phát khác với chống đại dịch COVID-19. Thay vì triển khai các biện pháp nhằm bù đắp cho nhu cầu thấp và doanh số bán hàng sụt giảm, hiện nay cần phải tập trung vào hạ giá hàng hóa. Ông khẳng định “nhà nước không được kích cầu bằng cách bơm thêm hàng tỷ euro”.

Cùng ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW Berlin) nhận định nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng, tỷ lệ lạm phát cao và thương mại toàn cầu thu hẹp.

Theo DIW Berlin, chỉ số xu hướng kinh tế hằng tháng của Đức trong tháng 9 vẫn dưới ngưỡng 100 điểm – mốc tăng trưởng trung bình ở Đức. Với 79,8 điểm trong tháng 9, chỉ số này không thay đổi nhiều so với mức trong tháng 8.

DIW Berlin cho biết giá năng lượng tăng mạnh đang dẫn đến sức mua sụt giảm nghiêm trọng và đe dọa lợi nhuận của các doanh nghiệp tại nhiều nước. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19 càng chất thêm gánh nặng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn phụ thuộc một phần vào xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế của DIW Guido Baldi ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2022 và 2023.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát tại Đức trong tháng 8 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 7,9% trong bối cảnh giá các sản phẩm năng lượng tăng vọt, cao hơn 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Theo Bnews


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày