Khoảng vài năm gần đây, có quá nhiều chuyện phải bàn về chất lượng cuộc sống tại các chung cư mới.
Thôi thì đủ chuyện:
mật độ xây dựng cao khiến đường xá xung quanh tòa nhà quá tải, không có không gian chung cho cư dân, chất lượng xây dựng kém khiến tòa nhà nhanh xuống cấp; bất cập trong quản lý và bảo trì tòa nhà,v.v…
Nhìn sang Đức, một quốc gia với diện tích và dân số tương đương Việt Nam nhưng với trình độ phát triển cao hơn nhiều, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì trong việc xây dựng chung cư của họ.
1. Mật độ xây dựng
Tại các thành phố lớn ở Đức, người ta ít thấy sự hiển diện của các tòa cao tầng (trừ các cao ốc văn phòng tại trung tâm tài chính Frankfurt). Phần lớn chung cư được xây dưới 10 tầng để đảm bảo cơ sở hạ tầng, đường xá không bị quá tải, tắc nghẽn.
Nhiều người sẽ nói xây thấp thế thì lấy đất đâu cho đủ. Câu trả lời là thị trường BĐS Đức không có đầu cơ, không có hiện tượng mỗi người ôm vài căn, vài lô và cũng không có những đại dự án tung ra hàng nghìn căn hộ trên thị trường.
Thông thường, tòa nhà xây đến đâu sẽ có người mua hết và dọn vào ở đến đấy. Không có cảnh những khu đô thị, những tòa chung cư mới, những biệt thự hoành tráng được xây lên nhưng bị bỏ hoang hoặc có rất ít người vào ở ta.
2. Không gian sống
Ở ta, thông thường các chủ đầu tư tận dụng xây nhà hết diện tích đất nên trừ các căn góc ra, mỗi căn hộ chỉ có 1 mặt thoáng, nhiều phòng trong nhà tối do không có cửa sổ.
Ngoài ra, điều này còn đem lại nhiều hệ lụy khác, ví dụ như:
Tòa nhà cao 30 tầng với cả nghìn dân sinh sống mà chỉ có vài chục chỗ đỗ xe ô tô, hoàn toàn không có diện tích sinh hoạt chung. Trẻ con phải chơi đùa ở hành lang, gây ảnh hưởng tới các nhà khác do chúng không có sân chơi riêng và bố mẹ không dám cho con xuống đường vì sợ xe cộ.
Tại Đức, thay vì tận dụng xây dựng tối đa diện tích đất, những tòa nhà chung cư thường có diện tích xây dựng chiếm khoảng 50% diện tích đất với thiết kế rỗng ruột.
Bên trong ruột tòa nhà sẽ là khoảng không xanh nội bộ của cư dân sinh sống tại đây. Cả người lớn và trẻ con có thể thoải mái chơi đùa, phơi nắng, đọc sách mà không bị xe cộ làm phiền đến.
Các tòa nhà tất nhiên sẽ phải đủ chỗ đỗ ô tô cho cư dân ( tiêu chuẩn 2 xe mỗi gia đình). Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải cung cấp đủ chỗ đỗ xe đạp vì người Đức hay đi xe đạp với khoảng cách dưới 2 km.
3. Chất lượng xây dựng và bảo trì
Chính phủ sẽ đưa ra các tiêu chuẩn xây dựng và các chủ đầu tư phải đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn này. Các tòa nhà theo luật định phải có tuổi thọ tối thiểu 100 năm.
Không mấy khi thấy tình trạng nhà đi vào sử dụng được vài năm mà bị lún, nứt, ngấm nước, ẩm chân tường, v.v. như ở ta.
Nếu hạn hữu xảy ra một sự việc liên quan đến chất lượng xây dựng, chủ đầu tư phải khắc phục ngay.
Theo những tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng mới nhất của Đức, các tòa nhà chung cư mới xây sẽ có hệ cửa sổ kính 3 lớp và hệ thống sưởi sàn.
Sau khi đi vào sử dụng, việc bảo trì tòa nhà được cũng được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo tòa nhà không bị xuống cấp.
Nếu sang Đức nói riêng và châu Âu nói chung, bạn sẽ thấy nhiều tòa nhà cổ đã có tuổi thọ hàng trăm năm mà vẫn có thể sử dụng tốt.
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC