Những chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo phương Tây tới Ukraine

Các lãnh đạo phương Tây gần đây đều đến thăm Kiev bằng tàu hỏa, bởi đây là lựa chọn tối ưu và đảm bảo an ninh nhất giữa chiến sự.

Sáng 16/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi có mặt tại thủ đô Kiev của Ukraine sau một chuyến tàu đêm xuất phát từ Ba Lan. Hành trình này ẩn chứa không ít vấn đề đau đầu về an ninh nhưng có rất ít lựa chọn thay thế và nó đã được lựa chọn bởi nhiều lãnh đạo phương Tây khác khi tới thăm Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra.

Chuyến tàu đầu tiên như vậy diễn ra vào ngày 15/3, khi xung đột ở Ukraine diễn ra được ba tuần. Lực lượng Nga khi đó đang áp sát Kiev, cố gắng xuyên thủng phòng tuyến ở phía bắc và phía đông thủ đô Ukraine. Thành phố hứng chịu những đợt pháo kích lớn vào buổi sáng và có nguy cơ bị bao vây.

1 Nhung Chuyen Tau Dem Dua Lanh Dao Phuong Tay Toi Ukraine

Từ trái qua: Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trên chuyến tàu tới Kiev khởi hành từ Ba Lan ngày 16/6. Ảnh: AFP.

Đúng lúc đó, một thông tin bất ngờ xuất hiện. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và cấp phó Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng PiS cầm quyền, đã cùng Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Thủ tướng Czech Petr Fiala đi tàu hỏa đến Ukraine. Những bức ảnh họ chăm chú xem bản đồ Ukraine khi đang ở trên tàu nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.

Sau đó, họ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong boongke dưới dinh thự của ông. Các quan chức châu Âu cho biết mấu chốt quan trọng nhất của chuyến đi là phải giữ bí mật hành trình, nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro có thể xảy ra.

Đến cuối tháng 3, quân đội Nga rút khỏi miền bắc Kiev và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây muốn đến thủ đô Ukraine gần như không có phương tiện nào khác ngoài đường sắt. Không phận Ukraine đã bị đóng kể từ khi xung đột bùng phát, trong khi nhiều tuyến đường bộ vẫn chưa thể đi lại được do giao tranh.

Do đó, tàu hỏa trở thành phương tiện di chuyển tốt nhất để đưa các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đến Kiev. Sau hành trình đầu tiên của các lãnh đạo Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Czech, nhiều chính trị gia, quan chức hàng đầu khác như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm Kiev bằng phương tiện này.

Giao tranh hiện nay chủ yếu diễn ra miền đông Ukraine, song hành trình đến Kiev bằng tàu hỏa vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nga vẫn thường xuyên phóng tên lửa tập kích hệ thống đường ray, cầu và ga xe lửa Ukraine, nhằm làm gián đoạn nỗ lực vận chuyển vũ khí phương Tây cho Kiev.

Khi các chính trị gia nước ngoài đến Kiev bằng tàu hỏa, họ thường lên tàu từ biên giới Ba Lan, vì khổ đường ray của châu Âu và Ukraine khác nhau. Các phái đoàn thường được tháp tùng bởi nhân viên an ninh quốc gia của họ cũng như lực lượng an ninh Ukraine.

Bí mật được cho là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình đưa các lãnh đạo phương Tây đến Kiev. Chuyến thăm hồi tháng 4 của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ được công khai sau khi họ đến nơi, vì lo ngại một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Nga.

Do đó, lực lượng an ninh của Ukraine và Ba Lan chắc hẳn không hài lòng khi Thủ tướng Morawiecki thông báo về chuyến thăm khi ông vẫn đang trên tàu tới Kiev.

Chủ tịch công ty đường sắt quốc gia Ukraine Oleksandr Kamyshin cho biết việc các lãnh đạo phương Tây tới thăm Kiev để thể hiện tình đoàn kết là đáng hoan nghênh, nhưng họ đã hơi vội vàng khi thông báo về hành trình sớm như vậy.

"Điều đó thực sự quan trọng đối với chúng tôi", ông nói. Kể từ khi xung đột bùng nổ, Kamyshin và các đồng nghiệp của ông thường xuyên làm việc trên một chuyến tàu mà vị trí của nó liên tục thay đổi.

Ông thậm chí còn không tiết lộ với các con mình về vị trí tàu. "Mọi người nên hiểu rằng đang có giao tranh xảy ra. Nhưng tôi không thể yêu cầu các thủ tướng làm việc này hay việc kia", Kamyshin nói.

Rõ ràng ông cũng không thể yêu cầu điều đó đối với Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Bà Ursula von der Leyen cũng thông báo sớm về chuyến thăm của mình trên Twitter, cùng ngày Nga phóng tên lửa vào một ga xe lửa ở thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine.

Điểm xuất phát của hành trình cũng bị tiết lộ trước: Ga xe lửa ở thị trấn Przemysl của Ba Lan, chỉ cách biên giới Ukraine khoảng 13 km.

Chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson diễn ra gần như cùng thời điểm. Nó đã được lên kế hoạch trong nhiều tuần, nhưng bị trì hoãn vì lý do an ninh. Chuyến đi này đáng lẽ không được công khai cho đến khi nó kết thúc, song chính đại sứ quán Ukraine ở London đã đăng một bức ảnh Thủ tướng Anh khi ông vẫn ở Kiev cùng Tổng thống Zelensky.

Ngay cả khi giữ được bí mật về hành trình, công ty đường sắt Ukraine cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khách VIP. Tuy nhiên, họ luôn cố gắng khiến các phái đoàn nước ngoài cảm thấy thoải mái nhất có thể.

2 Nhung Chuyen Tau Dem Dua Lanh Dao Phuong Tay Toi Ukraine

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) rời Ba Lan đến Kiev hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Một trong những toa tàu mà Ukraine sử dụng trong vài tháng qua để đưa các lãnh đạo phương Tây tới Kiev là toa hành khách hạng sang được đóng năm 2014 để đưa những người giàu có đến Crimea. Nó dường như chỉ phục vụ mục đích này vài lần, trước khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.

Những toa tàu khác có từ thời Liên Xô, nhưng đã được hiện đại hóa cách đây vài năm. Nhiều phòng có giường cỡ đại và TV màn hình phẳng. Các toa được sử dụng làm phòng họp có ghế bọc da.

Nhưng không phải tất cả mọi người đến Kiev đều được đối đãi như khách VIP. Lãnh đạo phe đối lập thuộc đảng Bảo thủ Đức Friedrich Merz đã tới thủ đô Ukraine trên một toa giường nằm hạng nhất, chỉ có một chiếc giường nhỏ và bàn gấp.

Sau khi đến Kiev, các chính trị gia thường chỉ dành một vài giờ ở đây. Họ gặp Tổng thống Zelensky, thăm các vùng ngoại ô bị tàn phá của thủ đô Ukraine và có thể thưởng thức một bữa ăn. Thủ tướng Anh Johnson đã dùng bữa với súp gà, salad pho mát dê, thịt bò nướng và tráng miệng bằng bánh bao anh đào với Tổng thống Zelensky.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều quan trọng nhất của những hành trình này là tính biểu tượng, những bức ảnh, lời nói và cử chỉ đoàn kết mà các lãnh đạo phương Tây dành cho Ukraine trong thời khắc khó khăn.

Vũ Hoàng (Theo DW)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày