Những mạng lưới buôn sữa bột cho trẻ em đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc đã quét sạch các kệ hàng ở châu Âu, nhưng vẫn chưa đủ để đưa sữa bột "xách tay" về quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Ở thành phố München phía nam nước Đức, nhiều người Trung Quốc đến các cửa hàng bán sữa bột cùng với xe đẩy ngay từ khi mở cửa vào lúc 8 giờ sáng.
Quầy sữa của Aptamil ở Berlin phải kèm bảng thông báo hạn chế bán sữa này ra nước ngoài - Nguồn: AFP
Vét sạch cả siêu thị
Trào lưu dùng sữa xách tay lớn tới mức nhu cầu ở Trung Quốc đã gây ra thiếu hụt hàng ở châu Âu. Một nhà xuất khẩu Đức đăng bức ảnh các kệ sữa trong siêu thị trống trơn với bình luận:
"Tôi đã đếm cùng với chủ cửa hàng, tám mét kệ trống không… tất cả do người Trung Quốc mua".
Tờ Bild, tờ báo có số phát hành lớn nhất châu Âu, đã đăng khổ lớn nhức bức ảnh này hồi tháng 1 với bình luận:
"Những bà mẹ nổi giận trước các kệ Aptamil trống không… vì dân Trung Quốc đã mua sạch sữa bột!"
Hãng Milupa, nhà sản xuất Aptamil, lên tiếng xin lỗi vì sự thiếu hụt, giải thích là do "xuất khẩu sang châu Á".
"Chúng tôi không khuyến khích việc xuất khẩu đó và không bán hàng sang châu Á. Những khách hàng mua trực tiếp từ các siêu thị ở Đức", trang web của công ty nói.
Theo các bản tin truyền thông của Đức được Đài Châu Á Tự do (Radio Free Asia) trích dẫn, hầu hết các khách hàng Trung Quốc được phỏng vấn cho biết họ mua sữa bột làm quà cho bạn bè và họ hàng ở quê nhà.
Tuy vậy, cũng có một số người thừa nhận rằng họ có kế hoạch bán lại sữa bột để kiếm tiền. Một hộp sữa bột giá 10 euro có thể được bán với giá 25 euro ở Trung Quốc. Những người buôn sữa bột này bận rộn quanh năm.
Sau khi trải qua nhiều vụ bê bối về an toàn thực phẩm và sản phẩm từ sữa đầy tai tiếng ở Trung Quốc, nhiều khách hàng Trung Quốc đã mất niềm tin vào sữa bột sản xuất tại chính đất nước họ. Sự kiện quyết định là vụ bê bối sữa bột liên quan đến melamine vào năm 2008.
Trong vụ này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin 300.000 trẻ sơ sinh là nạn nhân và 6 trẻ tử vong. Tiếp sau vụ bê bối này là các tin tức khác về sự xuất hiện của hoá chất công nghiệp melamine trong sản phẩm sữa sản xuất tại Trung Quốc.
Với nhu cầu cấp bách về các sản phẩm an toàn, bán lại sữa bột đã trở thành công việc kinh doanh nở rộ ở Trung Quốc.
Theo BBC, các cảnh báo lại dấy lên vào năm 2012 khi Tập đoàn Y Lợi, một trong các công ty nhà nước hàng đầu chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa, báo cáo rằng 2 trong số 40 lô sản phẩm của họ có hàm lượng thủy ngân cao hơn mức bình thường, cụ thể là 0,034 và 0,045 mg/kg. Thủy ngân sẽ làm tổn thương não và thận.
Với nhu cầu cấp bách về các sản phẩm an toàn, bán lại sữa bột đã trở thành công việc kinh doanh nở rộ ở Trung Quốc. Năm 2013, tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung đã đưa tin rằng người Trung Quốc buôn lậu sữa bột nhiều hơn cả heroin.
Gian hàng bán sữa tại một siêu thị ở Trùng Khánh, Trung Quốc - Nguồn: AFP
Từ tháng Giêng đến tháng 4/2013, có 880 lái buôn bị bắt giữ vì buôn lậu trái phép sữa bột từ Hồng Kông sang Trung Quốc. Trong khi cả năm 2013, chỉ có 81 người buôn cocaine và heroin bị bắt do buôn lậu từ Hồng Kông sang Trung Quốc.
Hãng thông tấn Deutsche Welle đưa tin, Lại Xuân (biệt danh), một phụ nữ Trung Quốc đến nước Đức cách đây 7 năm với tư cách là sinh viên, đã trở thành một người bán sữa chuyên nghiệp. Thu nhập hàng tháng của cô vào khoảng 16.000 euro (xấp xỉ 17.490 USD).
Các bậc cha mẹ Trung Quốc đặc biệt yêu thích các hãng sữa nổi tiếng như Milupa. Aptamil, một sản phẩm chính của hãng Milupa, đã tăng doanh số 30% trong năm 2013, trong khi các nhãn sữa Trung Quốc như Mengniu lại kinh doanh giảm sút.
Trong năm 2012, doanh số bán các sản phẩm từ sữa của Mengniu đã giảm 16%.
Việc kinh doanh phát đạt này đã gây ra một số bất tiện cho người dân Đức.
Một số bà mẹ Đức đã phải dự trữ vài hộp sữa bột phòng khi hết hàng. Giám sát viên của một tổ chức người tiêu dùng tại Đức cho biết hiện tượng người Trung Quốc mua sữa bột số lượng lớn đã gây ra những hỗn loạn trong ngành công nghiệp sữa bột nước này.
Nguồn: An Bình biên dịch daikynguyen.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC