Tại Châu Âu, người dân Đức coi khái niệm tiền mặt quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Số liệu của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy bình quân mỗi người Đức có khoảng 103 Euro tiền mặt trong ví, cao gấp 3 lần so với người Pháp. Đặc biệt, tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán chủ yếu trong mua bán, cao hơn rất nhiều so với mức 45% của Hà Lan. Thậm chí tỷ lệ này tại Hà Lan cũng đang giảm mạnh trước sự đổ bộ của công nghệ thanh toán điện tử.
Mặc dù nền kinh tế phi tiền mặt có lợi cho thị trường tài chính nhưng người dân Đức có vẻ phản cảm với ý tưởng này. Một đề xuất việc hạn chế sử dụng tiền mặt năm 2016 đã làm bùng nổ hàng loạt cuộc biểu tình của người dân Đức, cho thấy tình yêu "vô bờ bến" của xã hội nước này với tiền mặt.
Đây quả là một điều trớ trêu khi nền kinh tế lớn nhất Châu Âu bị bỏ lại đằng sau nhiều thị trường xét trên khía cạnh phi tiền mặt. Thậm chí dù là thị trường lớn của thương mại điện tử nhưng người dân vẫn luôn có thói quen cất giữ lượng lớn tiền mặt trong ví, một điều khác lạ so với nhiều nền kinh tế phát triển khác.
Bình quân người Đức cất giữ nhiều tiền mặt trong ví nhất Châu Âu (euro).
Đam mê tiền mặt
Chuyên gia kinh tế Max Otte của chiến dịch Save Our Cash nhận định tiền mặt không chỉ là một công cụ thanh toán ở Đức mà nó còn thể hiện sự minh bạch, hợp pháp, tôn trọng sự riêng tư và quyền cá nhân ở Đức. Đối với người dân nơi đây, câu hỏi không phải là tại sao họ lại chậm thay đổi trong công nghệ thanh toán như vậy mà là tại sao người dân các nước lại từ bỏ tiền mặt quá nhanh như vậy.
Mặc dù nhiều nền tảng thanh toán đã được xây dựng ở Đức nhưng dường như người vẫn "chống cự" với khái niệm phi tiền mặt. Nhiều chuyên gia của ECB thậm chí ví von thái độ "cuồng" tiền mặt của người Đức giống như những nước nghèo chậm phát triển ở Đông Âu.
Thậm chí tại những nước như Zimbabwe, việc thiếu tiền mặt khiến họ tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán di động. Ứng dụng EcoCash của nước này đã thu hút hơn 7 triệu khách hàng, tương đương 50% dân số.
Tại Trung Quốc và Ấn Độ, chính phủ các nước này cũng đang đẩy mạnh thị trường phi tiền mặt. Trong khi Ấn Độ thực hiện chính sách mạnh tay, thu hồi lại tiền mặt thì Trung Quốc dùng biện pháp nhẹ nhàng hơn với sự can thiệp của các công ty công nghệ trong mảng thanh toán như Alibaba hay Tencent.
Ở những nước láng giềng với Đức, lượng sử dụng tiền mặt cũng giảm mạnh. Trong khi số máy rút tiền tự động (ATM) ở Thụy Điển giảm 17% trong khoảng 2012-2016 thì lượng thanh toán tiền mặt của Hà Lan giảm 10% trong cùng kỳ.
Ngay cả quốc gia đông dân Ấn Độ cũng đã giảm sử dụng tiền mặt (tỷ USD).
Trên thực tế, chính sự yêu mến thái quá của người Đức với tiền mặt đã dẫn đến sự xuất hiện của đồng 100 và 500 Euro. Ban đầu, ý tưởng cho đồng tiền chung Châu Âu chỉ là 5 đến 50 Euro, nhưng chính Ngân hàng trung ương Đức đã đề nghị sản xuất mệnh giá tiền lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, vậy là đồng 500 Euro ra đời cùng các mệnh giá nhỏ khác.
Trớ trêu thay, việc nhiều tập đoàn tội phạm sử dụng tờ 500 Euro tiền mặt trong các giao dịch phạm pháp đã buộc ECB tuyên bố đình chỉ lưu hành mệnh giá này từ cuối năm 2018.
Bất chấp những bất cập mà tiền mặt mang lại, người Đức vẫn không từ bỏ niềm tin với loại tài sản hữu hình này. Năm 2016, hơn một nửa trong số 1,1 nghìn tỷ Euro tiền mặt lưu thông trên thị trường là ở Đức. Trong khi đó, số liệu của ngân hàng Deutsche Bank cho thấy lượng tiền mặt lưu thông trên thị trương chiếm tới 10% GDP của nền kinh tế Eurozone.
Mặc dù các dịch vụ thanh toán thẻ, chuyển khoản đã rất phổ biến nhưng hàng chục nghìn nhà hàng, cửa hàng hay nhiều dịch vụ khác ở Đức vẫn chỉ chấp nhận tiền mặt.
Vấn đề niềm tin
Những cuộc khủng hoảng liên miên Hậu Thế chiến II cùng mức lãi suất âm của chính phủ khiến người Đức gần như mất niềm tin vào các ngân hàng. Thay vì tiết kiệm tiền trong tài khoản, họ thích nắm giữ tiền mặt trong nhà.
Trớ trêu thay, chính phủ lại không thể ép buộc người dân gửi thêm tiền vào ngân hàng bởi họ cần duy trì chính sách lãi suất thấp, buộc mọi người rút tiền ra để chi tiêu kích thích kinh tế, qua đó càng làm trầm trọng hơn niềm đam mê tiền mặt trong xã hội.
Vào năm 2016, chính phủ Đức đã xem xét đến việc buộc các giao dịch trên 5.000 Euro phải thông qua ngân hàng. Trên thực tế, nhiều nước đã áp dụng quy định này như Pháp với 1.000 Euro (dù chưa thành luật nhưng đã áp dụng cho hầu hết các trường hợp hiện nay) hay Italy với giới hạn 3.000 Euro.
Số lượng ATM ở Thụy Điển đã giảm mạnh (cột trắng-triệu) trong khi lượng giao dịch bằng tiền mặt cũng đi xuống (đường da cam, tỷ Krona).
Ngay lập tức, giới truyền thông và quần chúng Đức đã chỉ trích dữ dội chính quyền Berlin cho nội dung trên, khiến hầu như tất cả chính trị gia nước này đều từ chối đả động đến vấn đề giới hạn tiền mặt.
Có thể nói, mặc dù là nền kinh tế phát triển nhưng khảo sát năm 2013 của Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy mức độ tin cậy giữa các công dân ở Đức chỉ vào khoảng 5,5 điểm so với 6,9 điểm tại nước láng giềng Thụy Điển.
Bởi vậy, không có gì là đáng ngạc nhiên khi chưa đến 20% giao dịch ở Thụy Điển là bằng tiền mặt và phần lớn các chi nhánh ngân hàng chính tại đây đã ngừng dịch vụ rút tiền. Chi phí giao dịch bằng tiền mặt tại Thụy Điển chiếm khoảng 2-3% tổng chi phí trong khi thanh toán bằng thẻ chỉ mất 1% và đây là lý do nữa để thị trường nơi đây tiến gần đến xã hội phi tiền mặt nhất thế giới.
Trong khi đó, những câu trả lời "Xin lỗi, chỉ chấp nhận tiền mặt" lại vẫn còn tồn tại ngay cả trong các cửa hàng hiệu ở trung tâm thủ đô Berlin khi các du khách nước ngoài chìa thẻ tín dụng của họ ra thanh toán.
Theo AB
Thời Đại
© 2024 | Thời báo ĐỨC