Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu và ngày càng ưa chuộng cà phê Việt. Ảnh: T.L.
Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số Tổng kết năm 2022 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm trước.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm nay đạt hơn 1,7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng hơn 10% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm trước.
Thị phần cà phê Việt Nam trên tổng nhập khẩu của 3/5 thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Đức, Pháp, Canada; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 285 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 3,87 xuống 3,53%.
Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, ngành cà phê Đức xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Theo dự báo, thị trường cà phê Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,09% trong giai đoạn 2022 – 2027. Do đó, Đức là thị trường nhập khẩu cà phê tiềm năng lớn mà các quốc gia sản xuất đều muốn khai thác.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 4,72 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ. Trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt gần 495 triệu USD, tăng 58,2%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Đức tăng từ 9,35% lên 10,47%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để khai thác tốt thị trường cà phê Đức, ngành cà phê Việt Nam cần nắm rõ nhu cầu thị trường. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng của người Đức đối với cà phê đặc sản đang tăng lên do nhận thức và kiến thức về sản phẩm ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đức đã bắt đầu một xu hướng mới đối với cà phê rang xay tại nhà. Ngoài ra, họ có nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững trong nước. Do đó, các chương trình chứng nhận đóng vai trò quan trọng khi xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bằng cách cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo doanhnhantrevietnam.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC