“Giấc mơ” về một nền kinh tế chung không dùng tiền mặt của các quốc gia châu Âu chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng thuận của người Đức.
Ngày 4/5/2016, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chính thức “khai tử” tờ tiền 500 Euro. Tại thời điểm này, có khoảng 3,2% số lượng tiền giấy đang lưu hành là tờ 500 Euro nếu tính theo giá trị tuyệt đối lại lên tới 300 tỷ Euro trên tổng lượng tiền phát hành trị giá 1.100 tỷ Euro, tức hơn 30% lượng tiền Euro lưu thông trên toàn thế giới.
Đã từ lâu, tờ tiền này hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì mệnh giá cao của nó cho phép một số lượng lớn tiền mặt được phục vụ cho các mục đích phi pháp. Nó được xem như một công cụ lý tưởng cho các tổ chức tội phạm rửa tiền, tham nhũng hay lưu hành tiền đen, nguy hiểm hơn là cung cấp tài chính cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là những tổ chức khủng bố.
“Nhiều chứng cứ cho thấy các tờ tiền mệnh giá cao thường được sử dụng vào mục đích phạm tội”, Chủ tịch ECB ông Mario Draghi đã từng phát biểu khi trả lời câu hỏi của báo giới về tương lai loại tiền mệnh giá cao nhất châu Âu này.
Cho dù với lý do chính nghĩa khi dừng lưu hành tờ tiền có mệnh giá cao nhất của mình, ai cũng hiểu việc thu hồi hơn 30% giá trị tiền mặt của ngân hàng trung ương châu Âu không chỉ đơn thuần là chống khủng bố, nó còn là một hành động làm giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt. Đây cũng là “phát súng” đầu tiên hướng châu Âu thành một môi trường không tiền mặt trong tương lai.
Hướng tới xã hội không tiền mặt: Cuộc các mạng của Mario Draghi
Quyết định này được cho là bước đi đầu tiên nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc, qua đó mở đường cho việc tiến tới một xã hội phi tiền mặt ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trên thực tế, hệ thống tài chính trên toàn thế giới đang từng bước tiến hóa. Các nước Đan Mạch, Mexico, Mỹ, Thụy Điển, Singapore đều hạn chế lượng tiền mặt được thanh toán trong giao dịch.
Ở Thụy Điển, người dân đã có thể mua báo từ những người vô gia cư hay góp tiền cho nhà thờ bằng thẻ tín dụng, vì gần như nơi nào cũng được trang bị máy đọc thẻ.
Lượng tiền mặt được lưu hành ở Thụy Điển hiện chỉ chiếm 2% GDP nước này và các ngân hàng đã giảm tới gần 60% lượng tiền mặt cất giữ.
Có tới hơn 1/3 dân số Thụy Điển đang sử dụng hệ thống chuyển tiền di động. Trong năm 2015, có tới hơn 80 triệu giao dịch Swish được thực hiện tại quốc gia chưa tới 10 triệu dân này. Vì thế, Thụy Điển đang được kỳ vọng sẽ sớm trở thành đất nước phi tiền mặt đầu tiên của thế giới.
Tại Mỹ, theo khảo sát của Bankrate .com, có tới gần 10% người dân nước này không mang theo bất kỳ một đồng tiền nào trong ví. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Mỹ cũng thực hiện chương trình chuyển tiền trợ cấp xã hội thông qua hệ thống điện tử (Electronic Benefits Transfer – EBT), với tổng số tiền giải ngân qua EBT đạt 70 tỉ USD trong năm 2014.
Tiền mặt chưa bao giờ là bạn của chính sách lãi âm đang được nhiều nền kinh tới lớn áp dụng. Châu Âu đi đầu cho chính sách này năm 2014 , theo sau là một loạt các nước như Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển. Đây cũng là một bước để ngân hàng trung ương châu Âu áp dụng để đưa EU thoát ra khỏi khủng hoảng như hiện nay.
Con đường không trải hoa hồng
Quyết định thu hồi tờ 500 euro năm ngoái đi với danh nghĩa hạn chế các giao dịch phi pháp dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ những nước như Pháp, Bỉ. Chính sách giảm thiểu sự phụ thuộc vào tiền mặt cũng được Thụy Điển đồng thuận. Tuy nhiên chiến lược của ECB lại gặp một “chướng ngại” rất lớn – Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu.
Từng được tờ Economist mô tả là “người đàn ông ốm yếu” của châu Âu năm 1999, giờ đây Đức đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất của lục địa này, đóng góp tới 1/5 tổng GDP và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả châu Âu.
Vai trò của nước Đức càng quan trọng hơn khi mà Anh quyết định rời khỏi EU. Pháp thì chìm đắm trong khó khăn kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố. Tây Ban Nha và Italy chưa giải quyết được nạn thất nghiệp nghiêm trọng, cùng bất ổn chính trị. Ba Lan và Hungary, với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chiếm ưu thế thì chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. Trong khi đó, mọi điều tồi tệ nhất đều đã xảy ra tại Hy Lạp. Tất cả đều trông cậy vào Đức kéo nền kinh tế bệ rạc đi lên, nhưng đáng tiếc thay, Đức lại là một trong số những đất nước phản đối việc ECB “phi tiền mặt hóa châu Âu”.
Đối với người dân Đức, tiết kiệm tiền và giữ tiền mặt là thói quen khó bỏ.
Họ không tin vào việc để người khác giữ tiền cho mình. Ngoài ra, nhiều người được khảo sát cho biết họ cảm thấy quyền riêng tư của bản thân được bảo vệ khi dùng tiền mặt hơn là chuyển khoản, loại thanh toán có thể bị theo dõi bởi ngân hàng và chính phủ.
Còn về chính phủ Đức, họ công khai phản đối chính sách này khi cho rằng nó sẽ không thể khuyến khích người dân gửi tiết kiệm như trước đây, qua đó phản tác dụng, hay tệ hơn, nó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính – ngân hàng trên diện rộng.
Để có được thành công, người Đức nhất định phải tham gia. Trong buổi họp báo gần đây nhất, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã phải làm dịu những cái đầu nóng của người Đức khi phát biểu về tầm quan trọng của tiền mặt hiện nay. Nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ để thuyết phục nền kinh tế phát triển nhất châu Âu trong hoàn cảnh hiện nay.
Võ Quyền, ANTT