Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga vừa thông báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt của một số quốc gia “không thân thiện” đã từ chối thanh toán hợp đồng mua hàng bằng đồng rúp, trong đó có Hà Lan, Đức và Đan Mạch. Thông báo được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, đánh dấu phản ứng cứng rắn nhất của khối kinh tế chung đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Phản ứng trước quyết định của Gazprom, Đan Mạch đã phát đi tín hiệu rằng việc cắt giảm khí đốt sẽ không gây rủi ro ngay lập tức tới tới nguồn cung khí đốt của đất nước, trong khi Hà Lan cũng khẳng định đã tìm được các nhà cung cấp khác để bù đắp 2 tỷ mét khối khí đốt đáng ra sẽ nhận được của Nga từ nay đến tháng 10.
Nga đã dừng cung cấp khí đốt tới nhiều nước châu Âu. Ảnh: Getty
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: “Tác động của việc Gazprom cắt nguồn cung khí đốt dường như khá hạn chế bởi không liên quan đến số lượng lớn mét khối, tức là một lượng lớn khí đốt. Tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét điều này rất cẩn thận, nhưng ban đầu nó có vẻ không quá tệ”.
Trước đó, Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan với lý do tương tự. Hành động của Nga đối với các nước châu Âu đã khiến giá khí đốt tăng chóng mặt hơn, thổi bùng áp lực lạm phát và buộc chính phủ cũng như doanh nghiệp trên khắp châu Âu phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Chiều 31/5, giá khí đốt giao sau tại châu Âu có thời điểm tăng 5% lên khoảng 91,05 euro/MWh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao hơn 300 euro/MWh xác lập hồi đầu tháng 3.Theo các nhà phân tích, mặc dù thị trường đã lường trước việc Hà Lan và Đan Mạch sẽ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, diễn biến này vẫn sẽ khiến cán cân cung – cầu thắt chặt hơn nhiều. Xuất phát từ lo ngại rằng Nga sẽ “khóa vòi” bất cứ lúc nào, châu Âu cũng đang gấp rút lấp đầy các kho dự trữ trước khi mùa đông đến. Ở các năm trước, Nga cung ứng khoảng 40% lượng khí đốt cho lục địa già.
Đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, chuyên gia kinh tế Sofia Donets nhận định: “Ảnh hưởng của lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu rõ ràng có thể dẫn đến việc tăng chiết khấu được trả cho dầu của Nga, khoảng năm đô la mỗi thùng cho người mua ở châu Á. Ở một khía cạnh nào đó, đối với Nga , nó có thể được bù đắp bởi sự tăng vọt của giá toàn cầu. Vì vậy, giá đối với các nhà xuất khẩu của Nga có thể gần bằng hoặc thậm chí cao hơn hiện tại. Trong khi đối với các nhà nhập khẩu châu Âu, giá nhiên liệu rõ ràng sẽ tăng”.
Giá dầu ngày 31/5 đã chứng kiến thêm một đợt tăng giá nữa ngay sau khi Liên minh châu Âu nhất trí cấm một phần đối với dầu của Nga, cũng như quyết định của Trung Quốc dỡ bỏ một số hạn chế do Covid-19 trong bối cảnh Mỹ và châu Âu bắt đầu bước vào mùa lái xe cao điểm. Giá dầu thế giới đang ở vùng cao nhất trong 2 tháng và theo ngân hàng Mỹ (Bank of America- BofA), có thể nhảy vọt lên ngưỡng hơn 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm mạnh trong mấy tháng tới./.
Nguồn: VOV
© 2024 | Thời báo ĐỨC