Nga muốn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Nord Stream 2, Đức từ chối

Moskva đã đề nghị nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống không bị hư hại do các vụ nổ hồi tháng trước gây ra.

1 Nga Muon Cung Cap Khi Dot Cho Chau Au Thong Qua Nord Stream 2 Duc Tu Choi

Tổng thống Nga Putin cho rằng quyết định nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Nord Stream 2 đang nằm ở EU. Ảnh: DW

Theo báo Deutsche Welle (Đức) mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua phần không bị hư hại do các vụ nổ hồi tháng trước của đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

"Quyết định đang nằm trong tay tòa án của EU. Nếu họ muốn, thì nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ được thực hiện", ông Putin nói trong một bài phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga 2022 ở Moskva.

Theo ông Putin, các đoạn đường ống bị hư hại có thể được sửa chữa nhưng Nga và châu Âu nên quyết định số phận của họ.

Phát biểu tại cùng diễn đàn trên, Alexei Miller, người đứng đầu công ty năng lượng Nga Gazprom, cho biết việc sửa chữa các đường ống Nord Stream bị hư hỏng sẽ mất ít nhất một năm.

Ông Miller nói thêm rằng "không có gì đảm bảo" rằng châu Âu sẽ vượt qua mùa Đông dựa trên khả năng lưu trữ khí đốt hiện tại.

Tuy nhiên, Đức cho biết họ sẽ không nhận khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 2, vốn đã trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Khi được hỏi liệu Berlin có sử dụng Nord Stream 2 hay không, phát ngôn viên chính phủ Đức Christiane Hoffmann nói: “Chúng tôi thấy rằng Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nữa".

Một lượng lớn khí đốt đã thải ra biển Baltic sau khi cả hai liên kết của đường ống Nord Stream 1 và một trong hai liên kết của đường ống Nord Stream 2 bị rò rỉ vào ngày 26/9.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 vào đầu tháng 9, với lý do các vấn đề kỹ thuật. Nord Stream 2 cho đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động do Đức ngừng phê duyệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mặc dù Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu, nhưng xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy người mua châu Âu bắt đầu quá trình độc lập với dầu, khí đốt của Moskva và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.

Hiện các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức gần như đã đầy 95% và các quan chức cho biết nước này đã sẵn sàng để vượt qua mùa Đông, mặc dù vẫn cần phải tiết kiệm năng lượng.

Công Thuận

Nguồn: baotintuc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày