Tuy nhiên, năm ngoái chỉ riêng điện gió, điện năng lượng mặt trời và điện sinh khối đã đóng góp 167 TerraWatt điện/giờ, bằng khoảng tổng điện năng mà Việt Nam đã sản xuất năm 2016.
Sự thay đổi từ thái độ sống hàng ngày và sự chuyển đổi của xã hội
Tại Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra vào ngày 29.8 tại Hà Nội, ông Jörg Rüger – Bí thư Thứ nhất, ĐSQ Đức tại Việt Nam đã đưa ra ví dụ về năng lượng tái tạo ở Đức.
Theo đó, ông Jörg Rüger dẫn chứng rằng 20 năm trước năng lượng tái tạo chẳng đóng vai trò gì trong ngành điện lực của Đức. Tuy nhiên, năm ngoái chỉ riêng điện gió, điện năng lượng mặt trời và điện sinh khối đã đóng góp 167 TerraWatt điện/giờ, bằng khoảng tổng điện năng mà Việt Nam đã sản xuất năm 2016.
“Trước đây rất lâu, người ta hay nói: Năng lượng tái tạo – được đấy nhưng mà nó đắt. Bây giờ điều này không còn đúng ở Đức nữa. Từ đầu năm 2017, chi phí phát sinh cho điện năng được sản xuất từ các tua bin gió mới sẽ được xác định thông qua đấu giá. Các giá được đưa ra và đơn vị trúng thầu lại rơi vào những công ty không yêu cầu trả chi phí phát sinh”, ông Jörg Rüger cho biết.
Theo ông Jörg Rüger, sự hỗ trợ của quốc tế có thể là một nguồn động lực lớn nhưng không đủ để đạt được sự tăng trưởng bền vững của một quốc gia. Sự chuyển đổi lớn nhất cần tới từ Việt Nam. Điều này cũng đúng đối với Thỏa thuận Paris. Các bên thống nhất chỉ thải lượng khí nhà kính tương đương lượng có thể cắt giảm và điều này đòi hỏi sự thay đổi đáng kể từ thái độ sống hàng ngày và sự chuyển đổi của xã hội.
“Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, bảo vệ môi trường và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn”, ông Jörg Rüger khẳng định.
Năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, được sự hỗ trợ giúp đỡ của các đối tác phát triển, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH vào tháng 9.2015”.
Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Jenty Kirsch-Wood cho biết UNDP đã khởi động một số dự án quan trọng hỗ trợ Chính phủ thực hiện Kế hoạch hành động để thực hiện Thỏa thuận Paris. “UNDP cam kết hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Chúng tôi mong muốn hợp tác với khu vực tư nhân nhằm giảm chi phí vào Nghiên cứu và Phát triển, triển khai những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, bà Jenty Kirsch-Wood nói.
Theo Thu Anh / motthegioi.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC