Cách đây 56 năm, ông Bernd Hofmann thành lập một công ty. Kể từ đó, ông đã trải qua nhiều thăng trầm, từ cú sốc giá thập niên 1970, nước Đức thống nhất năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nhưng không lần nào giống như lần này.
Người đàn ông 80 tuổi chia sẻ: “Đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất mà tôi từng trải qua”.
Công ty Femeg của ông Hofmann chuyên sản xuất đồng hồ nước, van an toàn và các linh kiện, phụ tùng cho ngành ô tô và hoá chất. Công ty này là nạn nhân của một cuộc suy thoái, thứ đang làm dấy lên hoài nghi về tương lai của mô hình kinh doanh hướng đến xuất khẩu của Đức.
Nền kinh tế Đức đang mắc kẹt trong một lối mòn. Xuất khẩu và sản lượng sản xuất của nước này suy giảm, lạm phát kìm hãm nhu cầu tiêu dùng và ngành xây dựng quay cuồng vì lãi suất cao.
Các lãnh đạo doanh nghiệp đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Người đứng đầu Rainer Dulger của BDA, tổ chức chính của người lao động Đức, cho biết: “Mọi nền kinh tế châu Âu đều đang phát triển, ngoại trừ Đức. Đó rõ ràng là tín hiệu để chúng ta hành động”.
GDP thực các nền kinh tế lớn trên thế giới (Q1/2019 - Q2/2023) (%)
Thật vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng Đức sẽ là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trong năm 2023. GDP nước này có thể giảm 0,5%, do nhu cầu từ các đối tác thương mại chậm lại và các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất cao yếu kém. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% và Pháp là 1,0%.
Các chuyên gia đều hiểu tại sao Đức phải đối mặt với một viễn cảnh như vậy. Đức đã chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều đợt tăng giá năng lượng 2022, một phần vì họ có quá nhiều công ty sản xuất ngốn khí đốt. Việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát cũng gây ra hậu quả. Và mối quan hệ phục hồi chậm chạp với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận rằng Đức đang thoát khỏi khủng khoảng chậm hơn kỳ vọng.
Chi phí năng lượng (điện và khí đốt tự nhiên) của ngành công nghiệp hoá chất Đức (Đơn vị: tỷ euro)
Nhưng nước Đức đang phải đối mặt với một số vấn đề có tính dài hạn hơn. Các công ty đang than phiền về chi phí kinh doanh ở Đức ngày càng tăng (chính sách khí hậu, thuế và chi phí năng lượng). Họ chỉ ra cả thiếu hụt trầm trọng lao động tay nghề cao.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của xe điện và những bước tiến của Trung Quốc trên thị trường châu Âu đang đe doạ ngành công nghiệp vốn là trụ cột của kinh tế Đức.
Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn IW Consult đã xác định Donnersbergkreis – đặt theo tên một ngọn núi – là một trong những khu vực chịu nhiều thách thức nhất ở Đức.
Các nhà nghiên cứu xem xét hai sự chuyển đổi lớn đang diễn ra trên đất nước là sự chuyển dịch sang nền kinh tế trung hoà carbon và chuyển đổi sang xe điện. Họ phát hiện 6 trong 400 quận và thị trấn của Đức sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt. Và Donnersbergkreis là một trong số đó.
Thời kỳ thịnh vượng có còn?
Một ví dụ điển hình cho những khó khăn về kinh tế của Donnersbergkreis đó chính là nhà sản xuất phụ tùng ô tô BorgWarner. Đây là nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ và đang trong quá trình tái cơ cấu quy mô lớn.
BorgWarner là doanh nghiệp tuyển dụng lớn nhất vùng. Công ty này từ lâu đã dẫn đầu thị trường trong việc sản xuất và bán ra các loại động cơ xe. Nhưng nhu cầu đã giảm trong nhiều năm.
Sản phẩm của BorgWarner. Ảnh: Felix Schmitt/FT
Ban đầu, công ty vẫn còn hy vọng rằng những thiết bị của họ vẫn có tương lai với xe hybrid – xe kết hợp xăng và pin. Đồng thời, họ hy vọng xe động cơ xăng và diesel sẽ tồn tại lâu dài.
Như EU đã dập tắt hy vọng đó khi công bố quyết định cấm các phương tiện mới bằng động cơ xăng và diesel vào năm 2035. Kể từ đó, BorgWarner lên kế hoạch sa thải từ 1.600 nhân viên năm 2021 xuống còn 650 người vào năm 2028. Tất cả các công ty địa phương hỗ trợ cho BorgWarner cũng chịu ảnh hưởng tương tự.
Vấn đề của ngành xây dựng
Không chỉ các ngành sử dụng nhiều năng lượng bị ảnh hưởng, sự sụt giảm trong lĩnh vực xây dựng cũng được phản ánh rõ ở Donnersbergkreis. Các công ty xây dựng trên khắp nước Đức đã bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao và giá vật liệu xây dựng tăng mạnh. Một cuộc khảo sát của Viện Ifo cho thấy 21,4% công ty xây dựng chung cư bị ảnh hưởng vì các dự án bị huỷ hồi tháng 9, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập năm 1991.
Ông Frank Dexheimer, giám đốc một công ty xây dựng, cho biết nạn nhân thực sự của cuộc khủng hoảng là các gia đình trẻ. Mức giá cho một ngôi nhà ở Donnersbergkreis cách đây vài năm là 500.000 euro. Bây giờ, giá đã tăng lên 750.000 euro, vì chi phí xây dựng tăng. Trong khi đó, lãi suất thế chấp tăng từ 1% lên đến 4-5%.
Ảnh: Felix Schmitt/FT
Donnersbergkreis cũng là nạn nhân của vấn đề nhức nhối tại Đức: Tình trạng thiếu lao động lành nghề. Một cuộc khảo sát của Ifo vào tháng 8 cho thấy 43,1% công ty Đức thiếu công nhân lành nghề. Ở quy mô lớn hơn, chính phủ cho biết dân số già đồng nghĩa là Đức có thể thiếu 7 triệu công nhân vào năm 2035. Bộ trưởng Habeck cũng đã thừa nhận đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Đức phải vượt qua.
Con đường lạc quan phía trước
Mặc dù thừa nhận những khó khăn, Bộ trưởng Habeck cũng nhìn thấy những tia hy vọng. Ông dự đoán nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Lạm phát đang giảm, thị trường lao động mạnh mẽ và thu nhập tăng giúp kéo nhu cầu trong nước thoát khỏi suy yếu.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cũng bác bỏ những lập luận gọi Đức là “người bệnh của châu Âu”. Ông cho biết các công ty Đức đã vượt qua khủng hoảng khí đốt một cách êm đẹp.
Về lâu dài, Đức cũng đang có những bước tiến lớn trong việc xây dựng các ngành công nghiệp mới, như các nhà máy bán dẫn, nhà máy sản xuất pin xe điện.
Ông Joachim Nagel nói: “Theo quan điểm của tôi, ‘Made in Germany’ sẽ tiếp tục giữ được danh tiếng và được khao khát”.
Tham khảo FT
Anh Dũng
© 2024 | Thời báo ĐỨC