Khoảng 2/3 người Đức được hỏi trong khảo sát do INSA thực hiện thay mặt tờ Bild của Đức cho biết đã giảm thời gian tắm để hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ.
Theo viện nghiên cứu INSA, 62% số người được hỏi cho biết đã giảm thời gian tắm và hiện ít tắm hơn so với chỉ vài tuần trước, trong khi hơn 1/3 (35%) cho biết không thay đổi thói quen tắm.
Bild chỉ ra, những người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất đã có sự thay đổi hành vi đáng kể hơn bất kỳ nhóm thu nhập nào khác.
Gần một nửa trong số những người được khảo sát (45%) cũng nói với INSA rằng đã chuẩn bị cho khả năng có một mùa đông khắc nghiệt hơn, với các biện pháp như mua máy phát điện khẩn cấp hoặc dự định làm vậy.
Tỉ lệ gần như tương tự (44%) người được hỏi sẵn sàng tham gia một cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng cao trong khi 50% nói rằng sẽ không tham dự một sự kiện như vậy.
Trong thời gian khá dài, giới chức Đức và truyền thông nước này đã thúc đẩy việc giảm thời gian tắm như cách thức để giảm tiêu thụ năng lượng. Hồi tháng 4, tờ Bild cũng đã đăng một câu chuyện ủng hộ việc tắm ít đi trong bối cảnh lo ngại có lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga.
Bài viết được đăng tải sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck kêu gọi người dân cắt giảm sưởi ấm, đi tắm hơi và tắm vòi sen để giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Bộ trưởng Habeck cũng chia sẻ với tạp chí Der Spiegel vào cuối tháng 6 rằng, ông một lần nữa phải “giảm mạnh” thời gian tắm dưới vòi hoa sen trong nỗ lực ứng phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng cấp tính.
Giới chức phương Tây nhiều lần bày tỏ lo ngại Nga giảm lượng khí đốt cung cấp để giữ giá cao và tăng sức ép lên người dân Châu Âu. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Hồi tháng 6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga có danh tiếng là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Ngày 21.7, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã mở lại dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream sau 10 ngày bảo trì. Động thái này khiến giá xăng ở Châu Âu giảm hơn 6%.
Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu đã hối thúc các thành viên trong khối giảm 15% sử dụng khí đốt cho đến tháng 3 năm sau.
Một lệnh cấm khí đốt Nga ngay tức thì hoặc gián đoạn cung cấp khí đốt sẽ là thảm họa với một số ngành công nghiệp ở Đức, Bộ trưởng Habeck từng cảnh báo.
Nguồn: laodong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC