Liên minh châu Âu trước làn sóng cực hữu và dân túy

Khối thống nhất của Liên minh châu Âu đang bị đe dọa bởi làn sóng cực hữu và dân túy, một hiện tượng trong đời sống chính trị thế giới hiện nay.

 

Những khúc dạo đầu

Liên minh châu Âu trước làn sóng cực hữu và dân túy - 0

Người nhập cư đến Đức - Ảnh: latimes

Sau khi cố sức để tránh một cú Grecxit (Hy Lạp rời khỏi Liên minh tiền tệ châu Âu), ngày 23/6/2016, cả châu Âu choáng váng trước đa số (52%) nói "đồng ý" việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân. Mối lo từ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực, dù trước đó, trong các hội nghị thượng đỉnh của EU, các nhà lãnh đạo liên minh này đã chấp nhận dành cho Anh hưởng một số quy chế đặc biệt, bởi vị trí quan trọng của nước này trong EU.

Nguyên Thủ tướng Anh David Cameron, người tin rằng sẽ thuyết phục được cử tri bỏ phiếu ở lại Anh đã không lường trước được việc có quá nhiều thành viên quan trọng trong đảng Bảo thủ, như Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove hay cựu Thị trưởng London Boris Johnson.., ủng hộ Brexit.

Cùng với Brexit, một loạt các sự kiện diễn ra tại Lục địa già năm qua thể hiện sự lên ngôi của phong trào cực hữu và dân túy.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ của bà đang chịu sự chỉ trích gay gắt của cánh hữu đối lập khi chấp nhận số lượng lớn người tị nạn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những quốc gia láng giềng, đặt gánh nặng thuế má lên vai người dân lao động Đức.

Một số sự cố diễn ra trên đất Đức liên quan đến người nhập cư khiến sự bất bình ngày càng tăng. Đó là vụ một số thanh niên gốc Bắc Phi, Ả-rập sàm sỡ, cướp giật phụ nữ Đức ở Cologne hồi đầu năm; hay hàng loạt vụ khủng bố diễn ra vào nửa cuối 2016, mà đỉnh cao là vụ "xe điên" tối 19/12 tại chợ Noel Berlin. Các cuộc biểu tình của phong trào PEDIDA đã diễn ra hồi đầu năm thu hút hàng ngàn người.

Đảng đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel đã thất bại trong cuộc bầu cử cấp vùng tháng 3 trước thế đang lên của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vừa đề xuất chính sách người tị nạn trái ngược với các biện pháp đang được Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi.

Để tranh cử nhiệm kỳ 4, bà Angela Merkel phải đương đầu với những chỉ trích này cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những lãnh đạo phong trào cánh hữu đang nổi lên. Thực tế buộc bà phải điều chỉnh quan điểm về nhập cư khi dự tính cho hồi hương bắt buộc 1/3 các trường hợp, và khoảng 60.000 người nhập cư sẽ cần tham gia chương trình hồi hương tự nguyện.

Tại nước Áo láng giềng, phong trào cực hữu cũng phát triển mạnh và chút nữa làm nên cú "sốc" lớn cho châu Âu nếu thủ lĩnh cực hữu Norbert Hofer của đảng Tự Do (FPO) giành thắng lợi tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống 21/05/2016. Ông chỉ kém đối thủ Alexander Van der Bellen thuộc đảng Xanh có 31.000 phiếu. Chưa bao giờ một tổ chức chống di dân, bài Hồi giáo và EU lại đạt số điểm cao như vậy. Cần biết, gần đây cùng với Đức, Áo là một trong những nơi người tỵ nạn dồn tới đông nhất.

Tại Pháp, tâm điểm của các cuộc tấn công khủng bố với những sự kiện đẫm máu như Charlie Hebdo, Bataclan, Nice.., và cũng là nơi phải chịu gánh nặng nhập cư cùng các hệ quả của nó, cánh hữu đang lên điểm so với cánh tả. Hai khuôn mặt có nhiều khả năng thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống 2017 đều là những người theo đường lối hữu.

Đó là Francois Fillon, cựu thủ tướng bảo thủ Pháp và là người ủng hộ chính sách kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Người kia là Marine Le Pen, thủ lĩnh của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, nổi tiếng vì tư tưởng chống nhất thể hóa châu Âu, bài ngoại, người vừa tung hô Brexit và việc Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Và gần đây nhất là sự kiện diễn ra ở Italia. Thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12 về cải cách Hiến pháp, Thủ tướng cánh tả Italia Matteo Renzi đã quyết định từ chức. Đây được coi như thắng lợi của phe đối lập bao gồm các đảng dân tuý và hoài nghi EU như Phong trào 5 sao, Liên đoàn phương Bắc và Đảng Tiến lên Italia của cựu Thủ tướng Berlusconi.

Ngoài ra, một số nước châu Âu khác như Hà Lan, Thuy Điển, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Ba Lan, Hungari... cũng diễn ra hiện tượng tương tự.         

Sau những "khúc dạo đầu" của phong trào dân túy năm 2016, khối thống nhất EU sẽ thực sự bước vào thử thách với các cuộc bầu cử quan trọng năm 2017 tại Pháp, Đức và Italia. Việc đại diện cánh nào sẽ trở thành Tổng thống, Thủ tướng ở ba nước trên góp phần quyết định diện mạo của châu Âu thời gian tới.

Nguồn cơn của hiện tượng

Ở châu Âu, cánh hữu, phong trào dân túy được hiểu như một tư tưởng bảo thủ, muốn bảo vệ những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, những lợi ích thiết thực của quảng đại dân chúng, gắn liền với cuộc sống thực tại, chống lại những ý tưởng cao siêu nhưng xa rời thực tế, chống lại một sự hội nhập, nhất thể hóa không phù hợp với lợi ích quốc gia... và vì thế bị coi là vị kỷ, biệt lập, dân tộc hẹp hòi, cực đoan, bài ngoại... đối lập với ý tưởng hội nhập, nhất thể hóa, bao dung mà Liên minh châu Âu theo đuổi.

Trong bối cảnh hiện nay, khi EU bộc lộ những điểm yếu khi đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, nạn thất nghiệp, làn sóng người tỵ nạn, khủng bố... cánh hữu và phong trào dân túy có điều kiện phát triển.

Suy cho cùng, sự kiện Brexit không có gì quá ngạc nhiên cả. Nước Anh bảo thủ luôn muốn giữ những giá trị, những truyền thống của riêng mình và luôn ở thế "nước đôi" với một EU mà ở đó họ bị chi phối bởi một Ủy ban châu Âu, một Nghị viện châu Âu...Và với tư cách một trong những nước giầu mạnh nhất châu Âu, phải oằn lưng gánh vác những nghĩa vụ tương ứng.

Anh đã nhất quyết giữ đồng Bảng, không chịu gia nhập Eurozone. Anh vẫn thích ví trí một đảo quốc độc lập hơn là tham gia Schengen để hội nhập sâu hơn với châu Âu lục địa. Brexit đã diễn ra, đúng vào thời điểm EU đang phải gồng mình chống đỡ làn sóng di cư, đối mặt với nạn khủng bố, suy thoái kinh tế. Một cú "sốc" với nỗ lực nhất thể hóa châu Âu, nhưng làm thỏa mãn những người cánh hữu và là nguồn khích lệ với phong trào dân túy.

Tuy chưa xảy ra sự kiện tương tự như Brexit, nhưng những gì xảy ra ở Áo, Đức, Pháp, Italia...năm 2016 cảnh báo những biến động lớn trong đời sống chính trị châu Âu 2017.

Phong trào dân túy phát triển không chỉ ở châu Âu mà còn là một hiện tượng chung trên thế giới. Trước hết là việc Donald Trump, một nhà tài phiệt, một con người thực dụng, ăn nói thô bạo, một "kẻ ngoại đạo" chính trị bất ngờ giành thắng lợi trước bà Hillary Clinton, một chính trị gia "nhà nòi" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ở bờ Tây Thái Bình Dương, người ta cũng chứng kiến một bất ngờ khác là việc ông Rodrigo Duterte, một con người có phong cách bình dân, ăn nói thô bạo chẳng kém Donal Trump, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, những nhà chính trị chuyên nghiệp, lên làm Tổng thống Philippines. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ Latinh, tại những nơi vốn là "đất" của cánh tả.

Dường như những ý tưởng cao siêu, nhưng thiếu thực tế của những chính khách chuyên nghiệp đang phải nhường bước cho phong cách thực dụng, gần dân, tuy có phần thô kệch của "những kẻ ngoại đạo"./.       

Thái Dương/VOV


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày