Ảnh: Bloomberg
Theo CNN, Liên đoàn Lao động IG Metall vừa đạt được thỏa thuận chưa từng có trong tuần này, giúp 2,3 triệu thành viên của liên đoàn có thời gian làm việc linh hoạt hơn và được tăng lương mạnh.
Từ năm tới, nhân viên của nhiều hãng kỹ thuật hàng đầu Đức như Daimler, nhà sản xuất xe Mercedes-Benz, có thể chọn cách làm việc 28 giờ/tuần cho đến hai năm, trước khi quay trở lại với tiêu chuẩn làm việc 35 giờ/tuần. Thỏa thuận trên được thương lượng với đại diện của hơn 700 doanh nghiệp ở tây nam Đức và dự kiến sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghiệp nước này.
“Đây là tiêu chuẩn cho tất cả những người khác”, nhà kinh tế Megan Greene thuộc Manulife Asset Management cho hay. IF Metall cho biết tính linh hoạt sẽ giúp những nhân viên muốn có thời gian chăm sóc cho con cái hoặc người thân. Lương bổng sẽ bị hạ bớt khi thời gian làm việc ít đi, song ngược lại, thỏa thuận mới cũng giúp người lao động có lựa chọn làm việc 40 giờ để kiếm nhiều tiền hơn.
Lao động Đức đang tận dụng tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng kinh tế mạnh để đòi quyền lợi. Đối tác Famke Krumbmüller của hãng OpenCitiz, công ty tư vấn rủi ro chính trị, cho hay: “Bạn có thể mong đợi các thỏa thuận tương tự ở những lĩnh vực, ngành nghề khác sớm được chốt”. Những lao động không thuộc công đoàn nào cũng có thể hưởng lợi từ thỏa thuận này vì các công ty sử dụng lao động thuộc IG Metall cũng đưa ra các điều khoản tương tự cho toàn bộ nhân sự.
Đơn cử, Daimler cho biết họ sẽ cung cấp giờ làm việc linh hoạt mới cho tất cả nhân viên, bắt đầu từ năm 2019. Bosch, hãng tuyển dụng 138.000 người ở Đức, cho hay họ sẽ tăng lương và tăng quyền lợi cho phần đông nhân viên ở nước này. Công ty cho rằng giờ làm việc linh động sẽ không gây rắc rối, vì hãng đã có khoảng 100 mô hình giờ làm việc khác nhau để đảm bảo tối ưu yếu tố cân bằng công việc – cuộc sống cho nhân viên.
Dù vậy, một số doanh nghiệp khác có thể cảm thấy thỏa thuận này hơi khó khăn. Südwestmetall cho rằng đây là thỏa thuận với nhiều yếu tố khó, không dễ dàng với nhiều công ty. Phát ngôn viên Volker Steinmaier của Südwestmetall cho biết tuần làm việc ngắn hơn có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Đa phần nhân viên sẽ muốn làm thêm giờ để nhận thêm lương.
“Một vài công ty đã cho nhân viên lựa chọn làm việc 30, 35 hay 40 giờ. Hầu hết nhân viên đều chọn làm việc nhiều giờ hơn và kiếm nhiều tiền hơn”, ông Steinmaier nói.
Thỏa thuận mới không chỉ có lợi cho người lao động mà còn giúp ích cho kinh tế Đức, vì nhân viên hưởng lợi từ thỏa thuận có thể ra ngoài và chi tiêu nhiều hơn. IG Metall cho biết các thành viên của liên đoàn sẽ được tăng lương 4,3% từ tháng 4 năm nay, và được tăng trung bình 3,8% trong cả năm. Lương tăng mạnh hơn nhiều so với lạm phát là tin tốt với người lao động, vì nó tăng thu nhập có thể chi tiêu và khả năng chi tiêu của họ.
Nguồn: Báo Thanh niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC