Lạm phát ở Đức giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua

Tỷ lệ lạm phát của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Mặc dù con số này vẫn cao so với mức quy định do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra, song đây là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong bối cảnh khó khăn chung.

Giới phân tích cho rằng lạm phát giảm một phần nhờ giá năng lượng giảm sau thời kỳ tăng vọt do tác từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại giá điện ở Đức vẫn cao đáng kể.

1 Lam Phat O Duc Giam Xuong Muc Thap Nhat Trong Hon 2 Nam QuaNgười tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức ngày 8/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu cuối cùng do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa công bố, cho biết lạm phát trong tháng 10/2023 của Đức đã giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Mặc dù con số này giảm rõ rệt so với mức tăng 4,5% trong tháng Chín và 8% đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB đặt ra.

Giới phân tích cho rằng lạm phát giảm một phần nhờ giá năng lượng giảm sau thời kỳ tăng vọt do tác từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại giá điện ở Đức vẫn cao hơn đáng kể, tăng 4,7% trong tháng 10/2023.

Mặc dù đã chậm lại so với các tháng trước, song giá thực phẩm vẫn tăng 6,1% trong tháng 10/2023, thấp hơn so với mức tăng 7,5% trong tháng Chín và 9% trong tháng Tám.

Chủ tịch Destatis Ruth Brand cho biết: “Tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao trong trung và dài hạn. Đặc biệt, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao trong suốt thời gian xảy ra xung đột và khủng hoảng tiếp tục là yếu tố lo ngại đối với người tiêu dùng.”

Trước đó, theo báo cáo cập nhật tháng 10 vừa qua của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck, Chính phủ Đức hiện không kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trong năm nay như dự báo hồi mùa Xuân, nhưng tin tưởng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Báo cáo nhận định trong một môi trường địa chính trị khó khăn, nền kinh tế Đức đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự báo. GDP của Đức được dự báo sẽ giảm 0,4% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 0,4% như dự báo trước đó.

Các chỉ số kinh tế hiện tại như sản xuất công nghiệp, số lượng đơn đặt hàng, chỉ số môi trường kinh doanh đều cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục yếu kém trong quý cuối năm nay.

Phó Thủ tướng Habeck cho biết nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức yếu kém là do hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, yêu cầu chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự suy yếu của các đối tác kinh tế quan trọng của Đức. Ngoài ra, những xung đột địa chính trị trên toàn cầu cũng làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế./.

Phương Hoa


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày