Foto: Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty Images)
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng do chịu tác động từ các đòn trừng phạt của Mỹ liên quan đến vụ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị chính quyền Ankara bắt giữ.
Đồng lira của nước này đã mất gần 40% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm tới nay. Chính quyền Washingon đã tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt lên 20% và 50%.
Đáp trả động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho biết có kế hoạch bắt đầu sử dụng đồng lira thay vì USD trong giao dịch thương mại với các đối tác thương mại chủ chốt của nước này, đồng thời sẽ tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và Đức là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của nước này. Bởi vậy, chắc chắn những biến động của thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu.
Thêm vào đó, những rủi ro từ sự bế tắc trong đàm phán Brexit và chính sách thương mại của Mỹ cũng tạo thêm sức ép cho nền kinh tế Đức.
Dù vậy, Bộ tài chính Đức cho nay, nền kinh tế nước này hiện vẫn đang duy trì được sự ổn định khi tăng trưởng 0,5% trong quý II/2018, vượt dự báo của giới phân tích và cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong cùng kỳ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Những động lực chính hậu thuẫn nền kinh tế này gồm chi tiêu công mạnh, tiêu dùng cá nhân cải thiện, tỷ lệ lãi suất thấp, thị trường việc làm khởi sắc với đà tăng lương mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư vào Đức giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến theo xu hướng tích cực bất chấp mối đe dọa từ chiến tranh thương mại.
Minh Trang - Theo Reuters
© 2024 | Thời báo ĐỨC