EU có 4 khả năng có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ vào Nga.
Trước diễn biến này, Sputnik đã hỏi nhà phân tích Francis Perrin tại Paris về những phản ứng EU có thể thực hiện.
Hạ viện ngày 25/7 đã bỏ phiếu áp đảo 419 (phiếu thuận)-3 (phiếu chung) ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Dự luật này - cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Triều Tiên sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể kí hoặc phủ quyết.
Dự luật trên nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân đầu tư vào các dự án năng lượng của Nga và vạch ra các bước đi được cho là sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng dự án đường ống dẫn Nord Stream 2 Gazprom của tập đoàn Gazprom, Nga.
Yếu tố Nga trong dự luật trừng phạt mới có thể khiến EU xúc tiến tìm ra hành động phản ứng. (Nguồn: Reuters)
EU lo ngại
Động thái trên của Mỹ có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt chống lại các đối tác châu Âu trong Nord Stream 2, một dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga qua Baltic, có thể tăng nguồn cung cấp dầu khí cho Đức từ năm 2019.
Vào tháng 4, công ty con của Gazprom trong dự án Nord Stream 2, AG đã ký hợp đồng với Engie, Royal Dutch Shell của Anh, OMV của Áo và Uniper và Wintershall của Đức, đồng ý cung cấp một phần tài chính dài hạn cho dự án đường ống dẫn khí, ước đạt 9,5 tỷ euro 10,6 tỷ USD).
Một số quốc gia châu Âu bao gồm Đức và Áo lo sợ rằng dự luật mới này sẽ trừng phạt các công ty có liên quan đến dự án đường ống dầu khí trên của Nga (gồm nhiều đối tác châu Âu) bằng cách hạn chế việc họ tiếp cận các ngân hàng Mỹ.
Các công ty châu Âu, bao gồm cả Engie của Pháp, có thể nhận mức phạt nghiêm trọng vì tham gia vào việc xây dựng đường ống Nord Stream 2.
Trước đó, vào ngày 15 tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, chống lại các nhà đầu tư lớn trong việc xây dựng đường ống dầu khí Nga hoặc hỗ trợ cho các dự án này dịch vụ, công nghệ hay thông tin.
Trong khi Mỹ và EU đã nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của châu Âu nhưng EU vẫn lo ngại nhiều hệ lụy nếu dự luật này được suôn sẻ thông qua.
Kịch bản đáp trả
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik Pháp, Francis Perrin, chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) ở Paris, vạch ra bốn kịch bản về phản ứng của EU đối với Mỹ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng mỗi phản ứng như vậy cần được sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên EU.
"Kịch bản đầu tiên có thể thực hiện lại những gì mà EU đã làm để phản ứng việc Hoa Kỳ thực hiện lệnh trừng phạt các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành dầu khí của Iran", Perrin nói. "EU sau đó đã yêu cầu Washington không trừng phạt các công ty châu Âu, để đổi lấy một số nhượng bộ về phía họ."
Trong kịch bản thứ hai, EU có thể thông qua luật để ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, chuyên gia này cho hay.
"Thứ ba, họ có thể giới thiệu các biện pháp trả đũa của chính mình đối với các công ty Hoa Kỳ."
"Và, cuối cùng, EU có thể yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập một nhóm làm việc để xem xét vấn đề và sau đó, WTO có thể tuyên bố rằng lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vô hiệu và đưa ra các biện pháp phản trừng phạt", Francis Perrin lưu ý.
Ông nói thêm rằng trước khi thực hiện bất kỳ một trong các phương án này, các nước EU sẽ phải từ bỏ sự chia rẽ của họ và "nói với Mỹ một cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng EU đồng thuận chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong tương lai".
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này trong ngày 26/7 và có thể sẽ vấp phải nhiều căng thẳng trong khi các quốc gia Bắc Âu muốn bảo vệ nguồn cung khí đốt Nga mà họ đang phụ thuộc còn các nước Baltic và Ba Lan dường như sẽ phản đối vì họ không muốn EU gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
BÁO TỔ QUỐC - Theo Sputnik, CNBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC