Là hãng hàng không lớn thứ hai và mang tên Thủ đô của nước Đức hùng mạnh, song Air Berlin vẫn không thể tránh khỏi kết cục đáng buồn khi cạnh tranh không lại với các hãng hàng không giá rẻ “sinh sau đẻ muộn”.
Air Berlin, hãng hàng không lớn thứ hai của Đức, ngày 15-8 đã phải nộp đơn xin phá sản sau khi cổ đông chính của hãng này là Etihad Airways tuyên bố không tiếp tục hỗ trợ thêm bất kỳ nguồn tài chính nào nữa cho đối tác của mình. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, hãng hàng không Air Berlin cho biết đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án Berlin – Charlottenburg do làm ăn thua lỗ triền miên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)
Air Berlin là hãng hàng không lớn thứ hai của Đức sau Lufthansa và thứ sáu ở châu Âu với mạng lưới đường bay phủ rộng trên thế giới, bao gồm nhiều điểm đến nghỉ dưỡng ở vùng Địa Trung Hải, quần đảo Canary, Bắc Phi cũng như các điểm đến ở Đông Nam Á, Caribe và châu Mỹ. Thời cực thịnh, Air Berlin có đội máy bay tới trên 150 chiếc và khoảng 10 nghìn nhân viên khắp thế giới.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của “ông lớn” hàng không của nước Đức bắt đầu đi xuống từ năm 2008 và thảm hại nhất là 2 năm vừa qua. Air Berlin thua lỗ tới 447 triệu euro trong năm 2015 và tăng vọt lên 780 triệu euro năm 2016, khiến hàng hãng không này phải gánh khoản thua lỗ hơn 1,2 tỷ euro chỉ trong 2 năm qua.
Kể từ khi tình hình kinh doanh xấu đi cách đây gần chục năm, Air Berlin đã tìm mọi cách để xoay chuyển tình thế, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu và cắt giảm nhân viên. Từ tháng 9-2016, Air Berlin bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu với việc cắt giảm đội bay từ 144 chiếc máy bay xuống còn 75 chiếc, đồng thời cắt giảm 1.200 nhân sự trong tổng số 8.600 nhân viên nhằm tiết giảm tối đa chi phí.
Đồng thời với việc tái cơ cấu, Air Berlin cũng được đối tác là Etihad Airways – một trong những hãng hàng không lớn nhất tại Vùng Vịnh – đầu tư 1,8 tỷ euro, tương đương 2,2 tỷ USD, kể từ năm 2011. Mới đây nhất, vào tháng 4 vừa qua, Etihad Airways lại “bơm” thêm 250 triệu euro nhằm vực dậy Air Berlin.
Song Etihad Airways – hiện nắm 29% cổ phần của Air Berlin – cũng không thể kham nổi “gánh nặng” khi tuyên bố ngừng hỗ trợ tài chính bởi cảm thấy thất vọng với kết quả kinh doanh của hãng này. Lượng hành khách của Air Berlin trong tháng 7 vừa qua đã giảm 1/4 so với cùng kỳ năm 2016.
Việc Etihad Airways ngừng rót vốn là nguyên nhân trực tiếp khiến Air Berlin phải tuyên bố phá sản. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất từ hàng chục năm nay là Air Berlin không thế cạnh tranh được với “người khổng lồ” Lufthansa và đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ dù “sinh sau đẻ muộn” tại châu Âu nhưng lại “lớn nhanh như thổi” như Ryanair, EasyJet…
Hãng Air Berlin tuyên bố phá sản có thể ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động hàng không ở Đức, đặc biệt đối với những hành khách đã đặt vé của hãng này do đang vào thời điểm du lịch. Trước tình thế cấp bách này, Chính phủ Đức đã phải khẩn cấp “tiếp sức” cho Air Berlin bằng một khoản tín dụng 150 triệu euro (175 triệu USD) để hãng tiếp tục duy trì hoạt động bình thường của các chuyến bay đã được định sẵn trong vòng 3 tháng tới.
Khi Air Berlin bị đẩy tới bước đường cùng thì chính đối thủ lớn nhất là Lufthansa đã lộ rõ ý đồ sáp nhập khi để ngỏ việc ban ban lãnh đạo của hãng này sẵn sàng đàm phán với Air Berlin về việc mua cổ phần cũng như khả năng thuê thêm nhân viên của hãng hàng không lớn thứ hai nước Đức.
Theo Hoàng Tuấn - Báo An Ninh Thủ Đô
© 2024 | Thời báo ĐỨC