Italy-Pháp-Đức bắt tay thúc đẩy ngành vũ trụ châu Âu phát triển

Italy-Pháp-Đức đã ký một tuyên bố chung nhằm khởi động lại ngành vũ trụ của Liên minh châu Âu và thúc đẩy việc xây dựng các bệ phóng, sân bay vũ trụ và tàu vũ trụ của EU

1 Italy Phap Duc Bat Tay Thuc Day Nganh Vu Tru Chau Au Phat Trien

Foto: Chuyến bay đầu tiên của tên lửa Ariane 6 được lên kế hoạch vào năm tới. (Nguồn: Phys)

Ngày 6/11, các nước gồm Đức, Pháp và Italy đã ký một thỏa thuận nhằm đưa ngành vũ trụ châu Âu phát triển độc lập và đảm bảo khả năng tiếp cận quỹ đạo.

Thỏa thuận này cũng mở đường cho tập đoàn vũ trụ Avio của Italy thương mại hóa các dịch vụ cung cấp bệ phóng Vega của tập đoàn này.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tại Hội nghị cấp cao của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) diễn ra ở thành phố Seville của Tây Ban Nha, Bộ trưởng Doanh nghiệp Italy Adolfo Urso, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã ký một tuyên bố chung nhằm khởi động lại ngành vũ trụ của Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy việc xây dựng các bệ phóng, sân bay vũ trụ và tàu vũ trụ của EU.

Phát biểu tại hội nghị ESA, Bộ trưởng Urso đánh giá thỏa thuận trên là “một bước nhảy vọt về chất sẽ có tác động đến các lĩnh vực chiến lược khác, là sự thành công của định dạng ba bên và có thể mở đường cho sự hội tụ rộng rãi hơn của các chính sách công nghiệp quốc phòng.”

Thỏa thuận ba bên này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của ngành vũ trụ EU, mở đường cho một thỏa thuận trong ESA, dự kiến sẽ được thông qua khi hội nghị kết thúc.

Liên quan đến hội nghị nói trên, 22 nước thành viên của ESA cũng đã nhất trí cung cấp hỗ trợ tài chính cho dự án phát triển tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn lâu nay. Theo đó, dự án Ariane 6 sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 340 triệu euro (tương đương khoảng 365 triệu USD), sau các cuộc thương lượng giữa Pháp, Đức và Italy vốn là ba nước có mức đóng góp tài chính nhiều nhất cho ESA.

Dự án Ariane 6 dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong năm 2024, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Ngoài ra, thỏa thuận giữa Pháp, Đức và Italy cũng mở đường để cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 21 triệu euro cho dự án phát triển tên lửa Vega-C của ESA. Việc hỗ trợ tài chính cho Vega-C sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Thỏa thuận này cũng đảm bảo mỗi năm tiến hành 4 vụ phóng tên lửa Ariane 6 và 3 vụ phóng tên lửa Vega-C.

Ngành vũ trụ của châu Âu đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, không chỉ từ Mỹ mà còn từ những nước khác có ngành vũ trụ mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này như SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher nhận định vùng quỹ đạo thấp của Trái Đất đang tạo ra một cơ hội kinh tế mới và điều này sẽ làm thay đổi công cuộc khám phá vũ trụ, trong đó có sự tham gia của các công ty tư nhân.

Ông Aschbacher cũng cho biết ESA sẽ tổ chức một cuộc thi giữa các công ty đổi mới và sáng tạo của châu Âu để phát triển một con tàu vũ trụ chở hàng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2028 và sau đó đưa con tàu này trở về Trái Đất.

Nếu thành công thì đây sẽ là bước đi đầu tiên để ESA triển khai các sứ mệnh độc lập với các chuyến bay đưa phi hành gia của châu Âu lên vũ trụ.

Theo ông Aschbacher, ESA đã huy động được 75 triệu euro (tương đương khoảng 80 triệu USD) để tài trợ cho giai đoạn đầu của dự án xây dựng tàu chở hàng nói trên.

Đánh giá về ý tưởng này, Giám đốc Điều hành công ty khởi nghiệp mang tên Exploration Company, bà Helene Huby cho rằng dự án phát triển tàu vũ trụ chở hàng cho thấy tham vọng mới của châu Âu./.

Dương Hoa-Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày