Nghiên cứu về khả năng đọc – viết tại Berlin cho thấy: “Hơn 6,2 triệu người trưởng thành ở Đức không thể đọc hoặc viết đúng bằng tiếng Đức.”
Con số 6,2 triệu người đọc – viết kém được tổng hợp từ năm 2011, qua những cuộc khảo sát xóa mù chữ cho người dân Đức. Các nhà nghiên cứu giáo dục và chính trị gia cho rằng hệ thống giáo dục Đức cần phải nỗ lực hơn để chống lại các nguyên nhân gốc rễ của nạn mù chữ, khi nền kinh tế Đức hiện trong tình trạng “thừa thợ thiếu thầy”.
Người dân có thể hiểu và viết các câu tiếng Đức riêng lẻ nhưng “bó tay” trước một đoạn văn bản dài. Hơn một nửa (52,6%) của nhóm người mù chữ này là người bản địa, 47,4% những người còn lại là dân nhập cư (tuy nhiên 78% trong số họ chỉ có thể đọc và viết các văn bản “khó nhằn” bằng tiếng mẹ đẻ, mà không phải tiếng Đức).
Vấn nạn mù chữ tại Đức trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết
Tình trạng nghèo đói và dân nhập cư
Bộ Giáo dục thừa nhận cần tăng cường phổ cập tiếng Đức cho người dân và khẳng định đang từng bước cải thiện hệ thống giáo dục, khi số lượng người mù chữ đã giảm 1,3 triệu người so với năm 2011.
Tuy nhiên bà Nele McElvany, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu phát triển học đường ở Dortmund lại cho rằng: “Người mù chữ tại Đức vẫn rất nhiều so với các quốc gia phương Tây khác”. Năm 2016, Đức chiếm vị trí khá khiêm tốn, đứng thứ 18/34 trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế gồm các nước có nền kinh tế phát triển) về tỷ lệ người trưởng thành biết chữ.
Tình trạng kinh tế xã hội và vấn đề nhập cư là nhân tố chính quyết định tỷ lệ mù chữ ở Đức. Bà McElvany cho biết hệ thống giáo dục của Đức phân loại học sinh dựa trên thành tích học tập. muốn được xếp lớp giỏi, học sinh cần có nền tảng gia đình và năng lực tốt.
Bà khẳng định giáo viên cần được đào tạo kỹ lưỡng cả chuyên môn lẫn nhiệt huyết để quan tâm và có những giáo trình phù hợp đối với từng khả năng của mỗi em.
“Các chương trình giáo dục của chúng tôi vẫn hướng đến học sinh trung bình. Nhưng mặt hạn chế chính vẫn là giáo trình, lượng kiến thức vẫn chưa sát với thực tế, nhu cầu xã hội.”
Tuy nhiên, sự can thiệp của chính phủ trong việc định hướng giáo dục là rất khó, do mỗi bang có chương trình giáo dục riêng, không đồng bộ. Chính sách ở Đức cho phép 16 bang tự chủ kiểm soát ngân sách và cấu trúc hệ thống giáo dục.
Tình trạng kinh tế xã hội và dân nhập cư quyết định lớn đến thành công của hệ thống giáo dục Đức
Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Đức đã thay đổi Luật cơ bản của quốc gia, cho phép quỹ liên bang chung (nguồn tiền từ 16 bang phải đổ một phần vào đây) có thể cứu trợ tạm thời, cũng như củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giảm bớt tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng”.
Hiệu quả từ chính sách mới chưa cao
Nếu không có những cải cách phù hợp nhắm vào những vấn đề nhức nhối trong hệ thống giáo dục của Đức, vị thế cường quốc kinh tế của quốc gia này có thể sẽ mất.
Ông Jörg Maas, giám đốc của Tổ chức Reading (một tổ chức của Đức hỗ trợ các sáng kiến đọc – viết cho trẻ em) nói với Đài truyền hình ZDF của Đức: “Việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nền giáo dục, ít nhất là khả năng đọc viết của mỗi người”.
Ông Jörg Maas, giám đốc của Tổ chức Reading bày tỏ quan ngại trước hệ thống giáo dục ở Đức
Theo nghiên cứu, chỉ 62,3% trong tổng số nhóm người đọc viết kém trên (6,2 triệu người) được tuyển dụng. Dù 20,5% dân số Đức được phân loại vào nhóm có khả năng đọc – viết chữ, nhưng họ vẫn không thành thạo các kỹ năng chính tả và ngữ pháp được dạy ở tiểu học.
Những vấn đề này sẽ chỉ trở nên rõ rệt hơn khi Đức chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế kỹ thuật số đòi hỏi trình độ hiểu biết cao, vấn nạn mù chữ là một bài toán hóc búa đối với Chính phủ.
Nghiên cứu LEO nhấn mạnh số phận của 6,2 triệu người không nên thất bại chỉ vì số tiền trước mắt, giáo dục chính là nền tảng chính của kinh tế Đức.
Theo DW
© 2024 | Thời báo ĐỨC