Hàng không châu Âu điêu đứng vì đình công

Liên tục trong 3 tháng qua, ngành Hàng không châu Âu phải gánh chịu thiệt hại nặng nề khi hàng loạt các cuộc đình công diễn ra khiến nhiều đường bay bị đình trệ, tổn thất kinh tế lên tới hàng trăm triệu USD.

132 1 Hang Khong Chau Au Dieu Dung Vi Dinh Cong

Phi công Hãng Hàng không Ryanair đình công.

Mới đây nhất, ngày 10-8, Hãng Hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland đã trải qua cuộc đình công tồi tệ nhất khi các phi công tại 5 nước châu Âu đồng loạt nghỉ việc trong vòng 24 giờ, phá vỡ kế hoạch đi lại của khoảng 55.000 hành khách vào đúng cao điểm mùa nghỉ hè.

Ryanair đã buộc phải thông báo hủy 250 chuyến bay đến và đi khỏi Đức, 104 chuyến đến và đi khỏi Bỉ và 42 chuyến bay đến Thụy Điển và Ireland.

Là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu, Ryanair hiện vận hành hơn 2.000 chuyến bay mỗi ngày tại 223 sân bay ở 37 nước châu Âu và Bắc Phi. Nhiều năm gần đây, nhờ chính sách phát triển hợp lý, Ryanair đã trở thành hãng hàng không làm ăn có lãi nhất Cựu lục địa. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của các cuộc đình công, cổ phiếu của Ryanair đã giảm 18% kể từ giữa tháng 7 vừa qua.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán với nghiệp đoàn lao động vẫn bế tắc. Các phi công cho rằng, họ buộc phải tổ chức bãi công do ban lãnh đạo Ryanair không đưa ra được đề nghị tốt hơn về yêu cầu cải thiện mức lương và hợp đồng công bằng hơn sau nhiều tháng đàm phán.

Không chỉ Ryanair, Hãng Hàng không Pháp Air France cũng chịu chung hoàn cảnh.

Các nghiệp đoàn cho rằng, nhân viên của Air France xứng đáng được trả lương cao hơn sau khi chính sách "thắt lưng buộc bụng" trong nhiều năm qua đã đem lại kết quả kinh doanh tốt cho hãng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo hãng lại lập luận mức tăng lương 6% mà các nghiệp đoàn yêu cầu là đòi hỏi "vô trách nhiệm" trong bối cảnh hãng đang nỗ lực giảm thiểu chi phí để cạnh tranh với nhiều hãng hàng không giá rẻ khác như Ryanair hay Easyjet.

Lãnh đạo Air France chỉ đề xuất mức tăng lương 1% và một khoản hỗ trợ thêm cho nhân viên mặt đất. Mâu thuẫn giữa giới chủ với người lao động khiến Air France thiệt hại gần 500 triệu USD. Thậm chí, báo giới còn nhận định, Air France có thể sẽ bị xóa sổ nếu không đáp ứng được với những đòi hỏi của nhân viên.

Tương tự, Hãng Hàng không Đức Lufthansa đang chật vật với các cuộc đình công đòi tăng lương của phi công và nhân viên mặt đất.

Lãnh đạo nghiệp đoàn yêu cầu mỗi giờ làm việc của nhân viên kỹ thuật mặt đất phải được tăng thêm 1 euro, lên mức 12 euro/giờ. Trong khi đó, công đoàn đại diện cho 5.400 phi công đang làm việc cho Lufthansa yêu cầu tăng lương 22% khi thỏa thuận thu nhập trước đây giữa các phi công và hãng này hết hiệu lực.

Mặc dù đã được hứa hẹn tăng lương thêm 2,5% trong năm nay nhưng các phi công vẫn không hài lòng và liên tục kêu gọi tiến hành đình công. Ước tính thiệt hại do "cơn thịnh nộ" của các nghiệp đoàn gây ra cho hãng có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Làn sóng bãi công không chỉ gây tổn thất cho các hãng hàng không mà còn khiến hành khách điêu đứng.

Tình cảnh vạ vật ở các sân bay châu Âu do hàng loạt chuyến bay bị hủy thời gian qua diễn ra “như cơm bữa”. Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã phải ra thông báo nhắc nhở các hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách bị chậm chuyến do đình công gây ra. 

Theo quy định của EU, những hành khách đi trên một chuyến bay bị hoãn có quyền được bồi thường tới 600 euro (khoảng 745 USD), phụ thuộc vào khoảng cách chuyến bay.

Các hãng hàng không chỉ được miễn bồi thường nếu có thể chứng minh được những tình huống đặc biệt mà họ không thể tránh được một cách hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, động thái này vẫn không thể bù lấp được những thiệt hại cho ngành Du lịch châu Âu và hình ảnh một Lục địa già yên bình đang dần mất đi do chính những bất ổn nảy sinh từ khu vực.

Phương Quỳnh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày