Tại Đức, chỉ 10% cư dân trong độ tuổi 20-24 thất nghiệp hoặc không đi học. Đây chính là điều mà đất nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới này luôn tự hào. Theo một nghiên cứu của PwC, nếu tất cả 35 quốc gia trong khối OECD có thể đạt được ngưỡng thất nghiệp như Đức, lợi ích kinh tế cho toàn cầu sẽ tương đương với khoảng 1,1 nghìn tỷ USD.
Trong danh sách những nước có nguồn nhân lực trẻ hàng đầu của PwC với các so sánh dựa trên tiêu chí khác nhau, Thụy Sỹ đứng hạng nhất và Đức xếp thứ hai. Mỹ đứng 10 và Anh xếp hạng 21. Các nước Nam Âu khác thậm chí còn bị tụt lại phía cuối – điều cho thấy khủng hoảng nợ Châu Âu đã đè nặng lên những lao động trẻ tuổi. Ý đứng cuối bảng xếp hạng với tỷ lệ thất nghiệp hoặc không đến trường chạm ngưỡng 35% dân số trẻ. Theo một báo cáo gần đây, nếu Ý có thể giảm con số này về 10% như Đức thì GDP đất nước có thể tăng thêm 156 tỷ USD. Một báo cáo khác đưa ra tuần trước cũng cho thấy cứ 10 ngươi Ý dưới tuổi 34 thì lại có 1 người sống trong nghèo túng.
Vậy tại sao những nước như Đức hay Thụy Sỹ lại có được con số ấn tượng như vậy? Trên thực tế, chính phủ các quốc gia này đã thực hiện hệ thống “giáo dục kép” lồng ghép đào tạo hướng nghiệp với giáo dục truyền thống trong các trường học để chuẩn bị tốt hơn cho người trẻ trước ngưỡng cửa bước vào thị trường lao động. Tại Đức, đạo luật đào tạo hướng nghiệp đã và đang cung cấp 500.000 hợp đồng dạy nghề mỗi năm. Cuối cùng, Đức và Thụy Sỹ tìm kiếm nhân sự từ nhiều tầng lớp hơn bằng cách giảm lối tuyển dụng ngầm (qua giới thiệu hay các công ty săn đầu người) cũng như sử dụng bằng cấp làm màng lọc trong quá trình tuyển dụng.
Báo cáo của PwC cũng cho thấy có tới 17% người trẻ tại Anh không đi làm hay đi học. Nếu con số này được giảm xuống còn 10%, GDP của nước này sẽ tăng 65 tỷ USD, tương đương với 2,3% GDP. Một phần vấn đề cũng nằm ở chỗ xã hội Anh luôn có định kiến với việc dạy nghề; các chương trình học nghề chưa bao giờ được coi là con đường sự nghiệp chuẩn mực. Chính quan điểm này cũng tạo nên khoảng cách giữa những kỹ năng người trẻ Anh sở hữu và những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần. Từ 2005 đến 2010, 59% sinh viên Anh ra trường đều làm những công việc không đòi hỏi phải có bằng đại học.
Chính phủ Anh hiện đang nỗ lực giải quyết vấn đề này và mong muốn các chương trình đào tạo nghề được xã hội công nhận tương đương với một tấm bằng đại học. Quốc gia này cũng đang lên kế hoạch sẽ gia tăng số chương trình học nghề lên 3 triệu cho đến năm 2020. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của PwC là những nước có GDP đầu người cao nhất. Thế nhưng tất nhiên điều này cũng không dễ dàng có được bởi đây cũng là những nước đầu tư nhiều nhất cho giáo dục.
Tham khảo Quartz
© 2024 | Thời báo ĐỨC