Ông Kluge cảnh báo "cơn bão" dịch bệnh khác sắp đến và trong vài tuần tới, Omicron sẽ chiếm số đông các ca nhiễm mới trong khu vực và đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến "cực hạn”. Cho đến nay, biến thể mới đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia ở khu vực châu Âu, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng phổ biến nhất ở Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Anh.
Trong 89% các trường hợp phát hiện sớm khi lây nhiễm Omicron, các triệu chứng phổ biến đi kèm tương tự với COVID-19, như ho, đau họng và sốt. Phần lớn những người nhiễm mới trong độ tuổi từ 20 đến 30, bị lây nhiễm tại nơi làm việc hoặc tại các sự kiện xã hội.
Ông Kluge cho rằng chỉ cần số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể dẫn đến gia tăng số ca nhập viện và gây gián đoạn hệ thống chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ quan trọng khác. Ông đồng thời kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những người đã tiêm nên tiêm mũi tăng cường và giảm tiếp xúc với những người khác.
*Trong khi đó, phát biểu tại họp báo sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội bất thường tối ngày 21/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách thận trọng để đề phòng nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 tiếp theo tại Nhật Bản, nhất là liên quan đến biến thể Omicron.
Theo phóng viên tại Tokyo, Thủ tướng Kishida tiếp tục nhấn mạnh, trong bối cảnh kết quả nghiên cứu về biến thể Omicron chưa rõ ràng cũng như sự thiếu thiếu thông tin về tình hình lây nhiễm biến chủng này ở các nước trên thế giới, kiểm soát nhập cảnh sẽ vẫn được tiếp tục là biện pháp ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nước này. Như vậy, việc hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 1 tháng (bắt đầu từ 30/11) sẽ tiếp tục được áp dụng vào tháng đầu tiên của năm sau.
Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm trong nước sẽ được tăng cường, tập trung tăng cường xét nghiệm miễn phí để phát hiện biến thể Omicron. Riêng đối với những người tiếp xúc gần với các ca đã xác đinh nhiễm loại biến thể này phải cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly chỉ định, thay vì tự cách ly tại nhà.
Giải pháp quan trọng tiếp theo được Thủ tướng Kishida đề cập là củng cố hệ thống y tế dự phòng, trong đó, tiêm chủng được xem là giải pháp căn bản nhất. Việc tiêm mũi thứ ba sẽ được tiến hành sớm hơn do với dự kiến đối với các nhân viên y tế và người cao tuổi có nguy cơ cao bị nặng.
Liên quan đến thuốc chữa COVID-19 dạng uống, sau khi được cơ quan quản lý dược phẩm Nhật Bản phê duyệt, Chính phủ nước này sẽ đảm bảo 1,6 triệu liều thuốc Molnupiravir của hãng dược phẩm Merk (Mỹ) ngay từ cuối năm nay và khoảng 2 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 dạng uống của hãng dược phẩm Pfizer vào đầu năm sau.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng kêu gọi người dân cần tăng cường các biện pháp phòng dịch cơ bản, nhất là trong thời điểm cuối năm gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch, mua sắm, tiếp xúc trực tiếp và tụ tập đông người, cũng như hợp tác với cơ quan chức năng trong trường hợp không may mắc bệnh để đảm bảo hệ thống phòng dịch thông suốt và hiệu quả.
Theo TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC