Ngày 18/9, người phát ngôn chính phủ Steffen Seibert thông báo trên Twitter rằng ông Hans-Georg Maassen sẽ rời cơ quan tình báo và nhận chức vụ mới tại Bộ Nội vụ dưới quyền Bộ trưởng Horst Seehofer.
Thông báo được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận trong cơn khủng hoảng có nguy cơ chia rẽ liên minh giữa Thủ tướng Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Seehofer và lãnh đạo phe Dân chủ Xã hội Andrea Nahles.
Theo CNN, động thái này nhằm xoa dịu cả bà Nahles, người muốn ông Maassen bị cách chức, và ông Seehofer, người ủng hộ Maassen và luôn chỉ trích chính sách nhập cư của thủ tướng.
Giám đốc cơ quan tình báo Hans-Georg Maassen tại phiên điều trần hôm 12/9. Ảnh: AFP.
Cáo buộc chính liên quan đến giám đốc cơ quan tình báo là về những bình luận của ông trên một video quay cảnh người biểu tình đuổi theo người nhập cư trong cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố Chemnitz tháng 8.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild gần 2 tuần trước, ông Maassen nói đoạn video có thể là giả và nghi ngờ về thông tin đang lan truyền về việc người biểu tình “săn đuổi” người nhập cư.
Tuy nhiên, các chính trị gia và nhiều hãng thông tấn khẳng định đã xác minh đoạn video và liên tục yêu cầu ông Maassen đưa ra bằng chứng cho mình. Theo truyền thông Đức, ông Maassen đã viết thư gửi Bộ trưởng Seehofer, nói rằng những lời bình luận của ông bị hiểu lầm. Ông phủ nhận mọi cáo buộc về những bình luận thể hiện sự ủng hộ với phe cực hữu và đảng AfD.
Dẫu vậy, chính trị gia các đảng, ngoại trừ AfD, đều yêu cầu ông Maassen từ chức. Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội Lars Klingbeil cho rằng một điều “rất rõ ràng” là “Maassen phải đi”.
“Bà Merkel phài hành động ngay bây giờ”, ông nói.
Cảnh sát chống bạo động có mặt tại cuộc biểu tình của phe cực hữu ở Chemnitz. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Merkel đang phải chịu nhiều chỉ trích nặng nề về cách xử lý đối với các cuộc biểu tình và đảng AfD. Dù biểu tình kéo dài nhiều tuần tại phía đông nước Đức, bà Merkel chưa từng thăm các thị trấn bị ảnh hưởng mà nhờ Bộ trưởng Gia đình và Giáo dục thay mặt.
Tháng trước, hàng nghìn người xuống đường phố Chemnitz để phản đối người nhập cư. Đây là một trong những cuộc biểu tình cực hữu lớn nhất trong nhiều năm qua, gây tranh cãi khắp cả nước. Nhiều cuộc tuần hành khác cũng được tổ chức tại miền Đông nước Đức.
Bahrain Mohammaed Afshar, người tị nạn sống ở Chemnitz, nói với CNN anh nhìn thấy bạn của mình bị nhiều người khác đuổi theo trong cuộc biểu tình và vụ việc đã được quay lại, đăng trên mạng xã hội.
“Đoạn video đang ở chỗ cảnh sát. Hy vọng điều này chứng minh được rằng chúng tôi đã bị tấn công”, Afshar chia sẻ.
Nguồn: Theo CNN/Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC