Giám đốc điều hành của hiệp hội, Markus Jerger, đã đưa ra một báo cáo chỉ trích chính phủ Đức duy trì thuế điện cao và không thực hiện cải cách đối với những người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng - Sputnik đưa tin.
Ông nói: "Hiệp hội Liên bang các doanh nghiệp vừa và nhỏ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng phá sản của các công ty và mất việc làm do giá năng lượng cao. Giá năng lượng đã trở thành một vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nhân".
Giá xăng ở Đức trên 2 euro/lít. Ảnh: DW
Vị chuyên gia này gọi giá xăng cao hơn 2 euro một lít và giá khí đốt tăng gấp đôi là không thể chấp nhận được. Theo ông, điều này đe dọa mất một số lượng lớn các công ty và việc làm. Jerger kêu gọi đánh thuế điện tối thiểu và thay đổi hệ thống ưu đãi đối với những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Giá khí đốt ở Châu Âu đã biến động mạnh trong những ngày gần đây. Giá nhiên liệu tăng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh vào ngày 21.2 công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk ly khai ở miền đông Ukraina, và vào ngày 24.2 Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraina.
Nhưng từ hồi mùa xuân năm ngoái giá khí đốt ở Châu Âu đã tăng đáng kể, khi giá giao ngay trung bình trên chỉ số trung tâm TTF dao động trong khoảng 250-300 USD mỗi nghìn mét khối. Vào cuối mùa hè, giá trị của một hợp đồng giao hàng "trước một ngày" đã vượt quá 600 USD và vào đầu tháng 10, giá lên tới 1.000 USD. Mức giá cao nhất là 3.892 USD được ghi nhận vào ngày 7.3.
Các chuyên gia cho rằng sự tăng giá này là do một số yếu tố: Nhu cầu cao về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Châu Á, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp lớn và tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ ngầm ở Châu Âu thấp sau một mùa đông dài lạnh giá và mùa hè nóng bức vào năm 2021.
Mức tăng giá liên tục như vậy chưa từng được ghi nhận trong lịch sử của các trung tâm khí đốt ở Châu Âu kể từ năm 1996.
© 2024 | Thời báo ĐỨC