Theo Financial Times, giá khí đốt đã đạt mức kỷ lục trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung trong mùa đông này.
Dữ liệu của Intercontinental Exchange cho hay, giá khí đốt ở châu Âu tại trung tâm TTF của Hà Lan hôm thứ Ba (14/12) đã tăng 12,6% lên 130,7 euro/MWh.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE London, hôm 15/12, lần đầu tiên kể từ ngày 6/10, giá khí đốt kỳ hạn ở châu Âu vượt quá 1.550 USD/nghìn mét khối.
Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh do lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng. (Ảnh: RIA)
Financial Times chỉ ra rằng kể từ đầu tháng 12, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gần 30%, vượt mức kỷ lục của giá khí đốt trong tháng 10 khi nhu cầu tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Theo ấn phẩm này, giá khí đốt giảm trong tháng 11 do Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ tăng nguồn cung, nhưng các cơ sở lưu trữ của châu Âu hiện chỉ đầy 62,8% - thấp hơn 10% so với định mức theo mùa. Vào đầu tháng 11, tập đoàn khí đốt Gazprom thông báo rằng họ đã bắt đầu bơm đầy 5 cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu theo lệnh của Tổng thống Putin.
Ông Norbert Rucker, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Julius Baer cho biết, giá khí đốt ở châu Âu được thúc đẩy bởi những lo ngại về chính trị - giá gần như đã trở lại mức cao nhất vào cuối mùa thu.
Theo ông Rucker, nguy cơ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với thương mại dầu khí giữa Nga và châu Âu liên quan đến tình hình Ukraine “có vẻ rất thấp”, do tác động đáng kể đến kinh tế và địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.
“Nhu cầu về khí đốt tự nhiên tạm thời tăng lên do nhiệt độ lạnh và điều kiện gió nhẹ, vấn đề này đã làm tăng tải đối với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, ông Rucker nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Nga và châu Âu phụ thuộc vào nhau trong thương mại năng lượng khi Nga cung cấp sang châu Âu khoảng 95% tổng lượng khí đốt xuất khẩu.
Cũng theo người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Julius Baer, sự gián đoạn trong thương mại năng lượng giữa Nga và châu Âu sẽ gây thiệt hại cho bất kỳ bên tham gia nào vào các sự kiện địa chính trị, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Rucker cho rằng, khó có khả năng châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại năng lượng với Nga do quan hệ với Ukraine đang leo thang.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy), giá khí đốt tăng mạnh do sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại mỏ khí Troll ở Na Uy mới đây, sau đó giá khí đốt đã bị kích động bởi lời của tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khi tuyên bố rằng việc vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vẫn chưa thể được phê duyệt vì dự án không đáp ứng các yêu cầu của luật năng lượng châu Âu.
Giá năng lượng tăng mạnh đã khiến chính phủ các nước phải dùng biện pháp trợ cấp và miễn giảm thuế để bảo vệ người tiêu dùng, và nhiều nước đã kêu gọi thiết lập một hệ thống mua chung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Theo một văn bản được chuyển đến các nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong hai ngày 16-17/12, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một hệ thống để các nước EU cùng mua khí đốt cho kho dự trữ nhiên liệu chiến lược.
EC cho biết, đề xuất này sẽ bao gồm một khung quy định cho phép các cơ quan được quản lý tiến hành mua chung khí đốt cho kho dự trữ chiến lược trên cơ sở tự nguyện. Theo EC, hệ thống này sẽ đóng góp vào các biện pháp phối hợp của EU trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực.
Trước đó, thị trường khí đốt châu Âu vẫn còn nhiều biến động. Trở lại vào đầu tháng 8, các hợp đồng cung cấp khí đốt được giao dịch ở mức 515 USD/nghìn mét khối, nhưng vào tháng 10, giá của các hợp đồng này đã đạt mức tối đa trong lịch sử là 1.937 USD/nghìn mét khối.
Thanh Bình (lược dịch)
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC