Bắt đầu tuần mới người dân Hamburg sắn tay cùng chính quyền thành phố dọn dẹp „bãi chiến trường“ khổng lồ của mấy ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển và đang phát triển (G20).
Bà Thủ tướng Merkel hoàn toàn có thiện ý khi tổ chức cuộc gặp của „những ông lớn“ tại nơi chôn rau cắt rốn của mình. Ngoài việc biểu dương sức mạnh của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, „người lãnh đạo của thế giới phương Tây“ bà không phải không có dụng ý „vận động tranh cử“ cho đảng của mình khi chỉ còn đúng ba tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử Liên bang quyết định liệu bà có đi vào lịch sử với bốn nhiệm kỳ liên tục làm Thủ tướng?
G20 đương nhiên cũng đạt được một số kết quả nhất định như nêu trong Tuyên bố chung, nhưng quan trọng nhất đây cũng là dịp để những nhà lãnh đạo các nước G20 và đối tác làm quen với nhau, đặc biệt đối với những gương mặt mới như Tổng thống Mỹ D.Trump, Tổng thông Pháp E.Marcon.
Trước Hội nghị dư luận Đức lo ngại không biết „ông bác xấu tính“ đến từ Mỹ ứng xử như thế nào và có phá hỏng không khí Hội nghị hay không. Rất may là „ông bác“ đánh giá là cuộc gặp tại Hamburg rất thành công (?!).
Ảnh gia đình G20 – Familienfoto
Các nước G7 ngày càng „tụt hậu“ về cạnh tranh kinh tế
Về lĩnh vực kinh tế thì ngày thứ hai của Hội nghị (8/7), Tờ „Thời báo Frankfurt“ (FAZ), một nhật báo có uy tín nhất ở Đức có bài bình luận nhan đề „Phương Tây đánh mất trọng lượng“, theo đó tại G20 lần này tương quan lực lượng đã có sự dịch chuyển đáng kể. Năm 1999 khi Đức là nước chủ nhà G20 tổ chức tại Berlin thì các nước kinh tế phát triển phương Tây có tiếng nói quyết định vì 44% kinh tế thế giới do các nước G7 gồm Đức, Pháp, Anh, Italia, Nhật, Canada và Hoa Kỳ đóng góp. Năm ngoái 2016 tỷ trọng này chỉ còn 31%.
Mỹ là nước bị „mất trọng lượng“ nhất, năm 1999 còn chiếm 21% kinh tế toàn cầu đến 2016 chỉ còn 15,7%, trong đó chỉ riêng hai năm xảy ra khủng hoảng (2007/08) mất đến 2%.
Kinh tế Đức cũng giảm đáng kể sức nặng toàn cầu, từ 5% xuống còn 3,3%. Người thắng cuộc trong cuộc đua toàn cầu này là các nước trong nhóm Brics gồm Braxin, Nga, Ấn độ, Trung Quốc và Nam Phi với đóng góp cho kinh tế thế giới từ 18,4% năm 1999 lên 31,2% năm 2016 và lần đầu tổng sản phẩm của 5 nước này vượt các nước G7.
Trong số các nước châu Brics thì hai nước là Trung Quốc và Ấn độ có mức tăng trưởng ngoạn mục nhất (Trung Quốc từ 7,1% lên 17,6% và Ấn độ từ 4,2% lên 7,3%.
„Hamburg phi chiến địa“
Bỏ ra ngoài những tín hiệu không mấy vui vẻ về kinh tế như trên, người dân Đức và đặc biệt người dân Hamburg cũng như các đảng phái chính trị ở Đức đang đối mặt với câu hỏi : Tại sao để xẩy ra tình trạng bạo lực không kiểm soát được trong suốt thời gian diễn ra G20 và ai là người chịu trách nhiệm chính?
“Hamburg phi chiến địa” trở thành bãi chiến trường
Chính phủ Đức một mặt muốn cho thế giới biết về một đất nước cởi mở, một „thành phố thế giới“ thân thiện, nhưng mặt khác cũng đã lường trước những phản ứng, những hoạt động chống G20. Olaf Scholz,
Thủ hiến bang Hamburg cho biết với hai mươi ngàn cảnh sát đặc nhiệm được huy động từ tất cả các bang, được trang bị hiện đại nhất và được tập dượt trước đó, đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay.
Chính quyền dự liệu sẽ gặp phải sự chống đối từ các lực lượng cánh tả vì từ trước đến nay Hamburg luôn là trung tâm của lực lượng cực tả Đức. Chỉ có điều họ không lường hết mức độ nghiêm trọng và vì vậy không hình dung ra sự phá phách kinh khủng mà các cuộc biểu tình bạo động gây ra.
Trước đó Bộ trưởng Nội vụ Liên bang de Maizere đã tuyên bố „các hành động bạo động sẽ bị bóp chết từ trong trứng nước“. Thực tế như xẩy ra trong mấy ngày qua cho thấy bức tranh không như ông hình dung. Thiệt hại vật chất đối với chính quyền và người dân đã lên đến con số ước tính ban đầu gần 300 triệu euro; 476 cảnh sát bị thương; hơn 1000 người biểu tình bị bắt giữ trong đó 750 người có lệnh tạm giam.
Cảnh tan hoang của một số khu phố chính
Ai là thủ phạm của các hành động chống phá vừa qua? Ban đầu lực lượng được coi là „cực tả“ ở Hamburg dự kiến tổ chức biểu tình tuần hành ôn hòa với khẩu hiệu „Welcome to hell“ (Chào mừng đến địa ngục), nhưng bản thân người tổ chức cũng không ngờ lại có những nhóm người khác trà trộn vào các cuộc biểu tình để có hành động như ném đá (cậy lên từ vỉa hè), chai lọ, gậy gộc vào cảnh sát, đốt xe của người dân đậu ven đường, phá phách các cửa hàng và cướp bóc tài sản, hàng hóa v.v.
Những nhóm người trang phục đen, bịt kín mặt mũi bằng khăn, mũ đen (còn gọi là nhóm „Black block“) có khi lên đến hàng ngàn người đã đi lẫn vào đoàn biểu tình và khá hung hăng trong việc tấn công cảnh sát. Đa phần số này là thanh niên Đức còn khá trẻ, nhưng cũng còn đến từ Pháp, Italia, Nga, Tây Ban nha, Hà Lan, Thụy sĩ và Áo.
Ngoài tiếng Đức và Anh, nhóm này nói đủ các thứ tiếng khác nhau. Bộ Nội vụ Liên bang cho biết, trước thềm G20 cảnh sát Đức đã tăng cường kiểm soát biên giới, trong mấy ngày trước khi khai mạc đã tiến hành 600.000 lượt kiểm tra biên giới, phát hiện 4000 trường hợp nhập cảnh trái phép và 1500 trường hợp cư trú bất hợp pháp.
Nhưng nếu số thanh niên này đến từ các nước châu EU khác thì không thể cấm nhập cảnh. Đáng nói là số này khá có tổ chức, thường mang theo „đồng phục đen“ nhưng chỉ thay quần áo khi có tín hiệu và sau đó lại mặc quần áo bình thường như mọi thanh niên khác để che mắt cảnh sát. Bộ trưởng Tư pháp Đức đang yêu cầu các nước EU khác phải có sự hợp tác tốt hơn đối phó với lực lượng bị coi là „cực tả sẵn sàng sử dụng bạo lực“.
Bạo lực đến từ cánh tả và „nỗi oan“ của các lực lượng cánh tả Đức
„Bạo lực cánh tả“ đang là xu thế có chiều hướng tăng ở Đức. Theo cơ quan bảo vệ Hiến pháp thì hiện có đến 28.500 cá nhân bị liệt vào diện „cực tả“, trong đó 8500 thuộc diện „sẵn sàng sử dụng bạo lực“, 6800 người thuộc nhóm „tự trị“ (Autonom) mà đa phần thuộc nhóm „black block“ vừa qua. Năm 2015 các nhóm cực tả đã gây 5620 các vụ phá hoại và năm 2016 là 5230 vụ.
Các đảng cánh tả Đức hiện nay, trong đó có Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD), Đảng Cánh tả Đức (Die Linken), Đảng Xanh (Die Grünen) bác bỏ ý kiến cho rằng mọi hành động phá hoại G20 xuất phát từ tư tưởng cánh tả. Họ cũng lên án những hành động vừa qua và cho rằng nó không liên quan gì đến tư tưởng cánh tả, đơn thuần là hành động phá hoại, vi phạm pháp luật.
Tuy vậy thì theo điều tra dư luận mới nhất, uy tín của Đảng Cánh tả đã giảm đáng kể so với trước đó; Đảng CDU cầm quyền cũng bị mất điểm; „đắc lợi“ trọng vụ này là tỷ lệ ủng hộ AfD (thiên hữu) tăng; 60,4% người được hỏi cho rằng không nên tổ chức những Hội nghị lớn như thế này ở những thành phố lớn như Hamburg.
Đại đa số người dân Hamburg cũng muốn đóng cửa „Rote Flora“ vốn là tụ điểm lớn nhất của lực lượng cực tả ở thành phố này.
“Rote Flora” – tụ điểm của lực lượng bạo lực cực tả ở Hamburg
Bạo lực vừa qua ở Hamburg vừa qua đã không còn nhằm vào mục đích ban đầu của những người đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình là phản đối một số nhà lãnh đạo phương Tây hay Nga, Thổ Nhĩ kỳ, chống xu hướng toàn cầu hóa, chống chủ nghĩa tư bản và cuối cùng là ngăn cản Hội nghị tiến hành suôn sẻ, thành công. Nó đã nhanh chóng chuyển sang chống đối cảnh sát, phá phách và cướp bóc.
Trên webportal „linkunten.indymedia“, nhóm này còn cổ súy cho hành động tấn công cảnh sát, coi „việc đốt nhà và xe cộ của các quan chức cảnh sát là mục tiêu chính đáng“, „tấn công vào đồn cảnh sát và phá Nhà nước (trường hợp này là cảnh sát) ở chỗ nó ít có khả năng hành động“; những hành động này được ca ngợi bằng „Scherbenfest“ (lễ hội phá phách cửa kính) ở khu vực thương mại Hamburg.
Họ cho rằng tấn công cảnh sát cũng đồng nghĩa với việc tấn công trực diện vào Chủ nghĩa tư bản; coi việc sử dụng bạo lực để tiêu diệt trật tự xã hội tư bản là hợp pháp, coi sự „bất lực“ của cảnh sát là „thắng lợi“ của họ v.v.Tất cả những điều này cho thấy tính nguy hiểm của những hành động tưởng chừng như xuất phát điểm là ôn hòa. Người phát ngôn của cảnh sát Hamburg Timo Zill cho biết chưa bao giờ ông thấy sự căm thù trắng trợn như vậy của một nhóm người nhằm vào cảnh sát.
Trả lời báo DIE WELT, bà Sahra Wagenknecht (Đảng Cánh tả) cho biết Đảng Cánh tả bác bỏ mọi hình thức biểu tình bạo lực và không có bất kỳ lý do gì có thể biện minh cho việc sử dụng quá mức như vậy; không hề có đảng viên cánh tả nào có mặt trong các cuộc ẩu đả ở Hamburg và những kẻ sử dụng bạo lực đó không hề có bất kỳ điều gì liên quan đến cánh tả hay tư tưởng cánh tả.
G20 Hamburg 2017 đã kết thúc và các đoàn nước ngoài đã rời thành phố cảng lớn nhất nước Đức.
Nhưng ấn tượng lớn nhất của họ có lẽ không phải Hội nghị của các ông lớn như bất kỳ Hội nghị nào trước đó.
Nỗi ám ảnh về tắc đường, phá phách, vòi rồng, hơi cay và ô tô bốc cháy giữa thành phố triệu dân này chắc chắn sẽ còn đọng lại lâu dài./.
Nguyễn Hữu Tráng
Nguồn: BLOG
© 2024 | Thời báo ĐỨC