EU rà soát dòng vũ khí viện trợ cho Ukraine

EU đang kiểm toán số lượng vũ khí mà các thành viên chuyển giao cho Ukraine, do một số không hỗ trợ Kiev hết khả năng, theo báo Anh.

Việc kiểm toán được tiến hành bởi Cơ quan Hành động Đối ngoại (EEAS), bộ phận ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), tờ Financial Times của Anh ngày 16/1 dẫn lời ba quan chức của khối cho biết. EEAS đã yêu cầu các nước EU cung cấp dữ liệu để phục vụ công tác kiểm toán, song một số quốc gia chưa giao nộp đầy đủ thông tin được yêu cầu, theo một quan chức.

Kết quả kiểm toán dự kiến được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối vào đầu tháng 2 tới.

Động thái của EU diễn ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu tiến hành kiểm đếm, so sánh số lượng khí tài các nước trong khối đã chuyển giao cho Ukraine. Ông cho rằng phần lớn quốc gia EU đã chuyển số hàng viện trợ quân sự cho Kiev "quá ít".

"Chúng ta cũng cần có cái nhìn tổng quát về đóng góp cụ thể mà các nước châu Âu sẽ thực hiện cho Ukraine trong năm nay", ông Scholz nói hôm 8/1.

1 Eu Ra Soat Dong Vu Khi Vien Tro Cho Ukraine

Binh sĩ Ukraine trong buổi huấn luyện xe tăng Leopard 1 tại Đức tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức, Berlin là quốc gia đứng đầu EU về cam kết viện trợ vũ khí cho Ukraine tính đến tháng 10/2023. Cụ thể, nước này đã tuyên bố sẽ chuyển giao cho Kiev số khí tài trị giá hơn 18 tỷ USD, cao gấp gần 5 lần nước đứng thứ hai là Đan Mạch.

Trong khi đó, hai quốc gia lớn khác của EU là Pháp và Italy mới đưa ra các cam kết viện trợ quân sự nhỏ hơn rất nhiều, lần lượt là 0,57 và 0,73 tỷ USD. Một số quan chức cấp cao EU cũng cho rằng một vài nước đáng lẽ có thể cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng hiện nay của cuộc xung đột.

Theo báo cáo của Viện Kiel, cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine trong tháng 8-10 năm 2023 đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, cho thấy động lực viện trợ của châu Âu cho Kiev gần đây đang sụt giảm.

EU hiện chưa thể thông qua gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine do bị Hungary phủ quyết, trong khi Mỹ, nước viện trợ số một của Kiev, cũng chưa phê duyệt gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine vì bị các nghị sĩ Cộng hòa phản đối.

Suy giảm viện trợ từ phương Tây gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động quân sự của Ukraine, khiến nước này gặp khó khăn trong việc đối phó các đòn tập kích tầm xa của Nga, cũng như phải chuyển sang thế "phòng thủ chủ động" ở một số mặt trận trên tiền tuyến.

Đức và một số quốc gia EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, đang kêu gọi mở rộng quỹ Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), cơ chế đã tài trợ một phần hoạt động chuyển giao vũ khí của khối cho Ukraine, song chưa được bổ sung ngân sách từ tháng 6 năm ngoái.

Một quan chức ngoại giao EU cảnh báo một vài quốc gia của khối có thể sẽ ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nếu EPF không hoạt động trở lại.

2 Eu Ra Soat Dong Vu Khi Vien Tro Cho Ukraine

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV

Phạm Giang (Theo Financial Times, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày