Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Chính phủ mới thành lập theo đường lối dân túy tại Italy mới đây cảnh báo, nước này không phải là “trại tị nạn của châu Âu”.
Theo kế hoạch, tại cuộc họp, Bulgaria – nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu sẽ công bố “kết quả” của nhiều tháng làm việc căng thẳng trong nỗ lực chấm dứt những bế tắc kéo dài liên quan cuộc khủng hoảng nhập cư và người tị nạn tại Liên minh châu Âu.
Một số nguồn tin cho biết, “kết quả” này có thể là một mức hạn ngạch phân bổ người nhập cư mới công bằng hơn, thay cho mức hạn ngạch đang gây chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu hiện nay, được áp dụng từ năm 2015.
Các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu dù không thể đưa ra quyết định cuối cùng, song lại có trách nhiệm xác định liệu có đồng ý chuyển đề xuất lên lãnh đạo các nước dự kiến sẽ nhóm họp trong 2 ngày 28-29/6 tới tại Brussels (Bỉ) hay không.
Hội nghị cấp cao này là thời hạn chót mà Liên minh châu Âu đặt ra để đạt được sự đồng thuận về cải cách Hiệp ước Dublin, vốn bị coi là đang đẩy những nước cửa ngõ như Hy Lạp hay Italy lên tuyến đầu.
Ba năm sau giai đoạn đỉnh điểm hồi năm 2015, với số người xin tị nạn tại Liên minh châu Âu lên tới 1,2 triệu người, dòng người nhập cư đổ về các vùng bờ biển châu Âu đã giảm rõ rệt, song điều này không đồng nghĩa với việc châu Âu đã xây dựng được một hành lang bảo vệ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng nhập cư tương tự.
Thủ lĩnh phe cực hữu tại Italy Matteo Salvini và cũng là tân Bộ trưởng Nội vụ Italy, hồi cuối tuần qua tuyên bố, Italy và đảo Sicily không thể trở thành “trại tị nạn của châu Âu”.
Phát biểu đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu, bởi chính phủ hiện nay tại Italy có tư tưởng chống châu Âu khá mạnh mẽ, trong khi nước này lâu nay vẫn luôn cảm thấy bị Liên minh châu Âu bỏ mặc trong đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.
Dù không tham dự cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu ngày hôm nay, song Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cũng không vì thế mà bỏ qua những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào những cải cách đang được xem xét hiện nay mà ông cho là “bản án treo” dành cho các nước Địa Trung Hải.
Trước thái độ cứng rắn của Italy, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu này, Liên minh châu Âu thời gian qua đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò trung tâm của Italy trong các dự án của khối, đồng thời bày tỏ hy vọng nước này sẽ làm việc tích cực với các nhà lãnh đạo châu Âu khác.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva cho biết: “Italy là một thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu, một đối tác đáng tin cậy và không thể thiếu.
Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực và sự sẵn lòng của chính phủ mới tại Italy tham gia tích cực với các đối tác châu Âu và các thể chế của Liên minh châu Âu nhằm duy trì và phát huy vai trò trung tâm của Italy trong dự án chung của khối”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Liên minh châu Âu sẽ chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm việc cùng nhau để bảo vệ biên giới của châu Âu, cũng như cân bằng quy định luật pháp của các nước thành viên, đồng thời khẳng định muốn “tiếp tục đối thoại” với Italy.
Theo các tài liệu mà AFP có được, đề xuất thỏa hiệp của Bulgaria hướng tới “giảm gánh nặng cho những nước tuyến đầu” mà vẫn đảm bảo ngăn chặn được người nhập cư từ những nước này sang các nước châu Âu khác.
Những đề xuất của Bulgaria được đánh giá là một điểm khởi đầu khá tốt. Song theo các nhà phân tích, vẫn là chưa đủ để làm lay chuyển những lập trường cứng rắn nhất trong Liên minh châu Âu.
Những nước như Italy và Hy Lạp, cũng như Nghị viện châu Âu, yêu cầu việc tiếp nhận phải được chia sẻ một cách thường xuyên và không chỉ trong giai đoạn khủng hoảng.
Ngược lại, những nước khác như Hungary hay Ba Lan, được sự ủng hộ của Áo, lại bác bỏ mọi đề xuất “tái định cư bắt buộc” đối với người tị nạn. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây thừa nhận, đây là một vấn đề không dễ thỏa hiệp, tiếp tục gây chia rẽ Liên minh châu Âu trong thời gian tới./.
Theo Thu Hoài/ vov.vn
Tổng hợp
© 2024 | Thời báo ĐỨC