Theo khảo sát của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), 41% công dân EU nói rằng nếu có thể, họ sẽ bỏ phiếu cho bà Merkel.
“Angela Merkel là một trong những chính trị gia quan trọng nhất của một thế hệ, với tư cách là lãnh đạo trên thực tế của EU và thế giới tự do” – chuyên gia Sebastian Reiche đánh giá.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng chiến lược của bà Merkel giữ thái độ trung lập, tránh biện pháp cứng rắn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng cũng như ưu tiên lợi ích kinh tế, kể cả trong giao dịch với Nga hoặc Trung Quốc, đã tạo ra sức ì và kìm hãm khả năng hội nhập hơn nữa của châu Âu. Vì vậy, việc “bà đầm thép” lùi về sau có thể mở ra cánh cửa cho những nhân vật chủ chốt còn lại của EU dẫn dắt liên minh trong kỷ nguyên mới.
Một châu Âu “có chủ quyền”
Trong số những cái tên được quan tâm hiện nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nổi bật với tham vọng triển khai tầm nhìn của Pháp về xây dựng châu Âu “hùng mạnh và phát triển, có quyền lựa chọn và khả năng tự chịu trách nhiệm cho số mệnh của lục địa”. Trong bối cảnh quyền lực ở Berlin thay đổi, Điện Élysée bắt đầu gây chú ý khi ký hiệp ước hợp tác song phương mới với Chính phủ Ý. Tổng thống Macron còn liên tục kêu gọi nới lỏng các quy tắc tài khóa của EU và từ bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của bà Merkel. Tuy chính trị gia 43 tuổi nói rõ Paris không tìm cách thay đổi quan hệ Pháp – Đức, nhưng động thái trên khiến nhiều người đặt câu hỏi bởi nó diễn ra giữa lúc EU đang tái cơ cấu sau khi Anh rời liên minh (Brexit).
Người kế nhiệm bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz cũng được kỳ vọng mang đến “làn gió mới”.
Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng được cân nhắc cho khả năng lấp khoảng trống mà bà Merkel để lại. Trước đây, ông Draghi được đánh giá cao nhờ nỗ lực đem lại ổn định cho Ý, quốc gia nổi tiếng với những biến động và bê bối chính trị. Ngoài năng lực xây dựng sự đồng thuận trong Hội đồng châu Âu, ông Draghi được kỳ vọng tạo động lực mới trong các lĩnh vực chính, từ cải cách quản lý kinh tế đến chính sách đối ngoại và quốc phòng, thúc đẩy hợp tác với Pháp và chính phủ mới ở Đức.
Nhưng nhìn chung, các nhà phân tích cho rằng chưa có ai ngay lập tức thay thế được vai trò dẫn dắt của bà Merkel, đặc biệt trong bối cảnh EU còn hàng loạt thách thức cần giải quyết – từ tranh chấp nội bộ về pháp quyền, khả năng bị gạt khỏi các vấn đề địa chính trị toàn cầu cho đến dư chấn của Brexit. Hiện Tổng thống Macron được nhìn nhận là người có khả năng nhất, nhưng nỗ lực trước đây của ông nhằm xác định mục đích chính trị rõ ràng cho EU vẫn chưa thành công. Mặt khác, lãnh đạo Pháp đang đối mặt với thách thức từ phe cực hữu trong cuộc bầu cử vào năm 2022. Dù kết quả ra sao, Pháp có thể bị ràng buộc với chính trị trong nước trong một thời gian, hạn chế khả năng phát triển tầm nhìn lớn cho châu Âu. Về phần Thủ tướng Scholz, người tự nhận là “bản sao” của bà Merkel, các nhà phân tích cảnh báo thời thế đã thay đổi và “chủ nghĩa Merkel” có thể không còn phù hợp.
Tóm lại, giới chuyên môn đánh giá EU đang trong thời kỳ rất khác với những năm bà Merkel tại nhiệm khi bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc và nội bộ chia rẽ sâu sắc. Cho đến khi một nhà lãnh đạo mới thật sự xuất hiện, tương lai của EU lúc đó có thể khá ảm đạm với đầy rẫy “bất ổn, đình trệ và tiềm ẩn suy yếu”.
Nguồn: baocantho.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC