Foto: Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu ngày 25/9 tại một hội nghị kinh doanh ở thủ đô Berlin, bà Merkel nhấn mạnh khả năng thành công của các cuộc đàm phán tiếp theo về việc Anh rời EU (Brexit) phụ thuộc chủ yếu vào "mong muốn thực sự" của Anh, song quá trình thảo luận về vấn đề này cho tới nay vẫn chưa rõ ràng.
Bà Merkel tái khẳng định lập trường của 27 quốc gia thành viên EU, rằng Anh sẽ không thể duy trì tư cách trong thị trường chung nếu chỉ tuân theo một trong số các nguyên tắc của liên minh mà bỏ qua 3 nguyên tắc cơ bản còn lại.
Hiện Brussels tin rằng Chính phủ Anh muốn được tiếp tục hưởng lợi từ tự do thương mại hàng hóa với EU nhưng lại không muốn tuân thủ 3 nguyên tắc cốt lõi về tự do dịch chuyển, dịch vụ và luân chuyển vốn.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra trong 2 ngày 19-20/9 ở Salzburg (Áo), các quốc gia thành viên EU đã đồng loạt bác kế hoạch Brexit do Chính phủ Anh đề xuất. Ngày 21/9, Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ trích động thái trên là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo Anh sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán.
Tại hội nghị trên, EU cũng nêu khả năng hội nghị đặc biệt dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới để các bên xác nhận thỏa thuận Brexit cuối cùng, có thể sẽ không diễn ra nếu quá trình đàm phán không đạt tiến triển vào tháng 10 tới.
Về vấn đề này, bà Merkel cho biết hội nghị vào tháng 11 có thể diễn ra với điều kiện trong 6 tới 8 tuần tới, đàm phán Brexit phải hết sức khẩn trương để đưa ra những quyết định chính trị hiệu quả.
Theo bà Merkel, quá trình đàm phán có thể đạt tiến triển trong tháng 10, nhưng bất kỳ đề xuất nào được phía Anh đưa ra trong giai đoạn này cũng đều phải có điều khoản cụ thể nhất để định hình rõ ràng mối quan hệ Anh- EU trong tương lai, nếu không sẽ khó đạt được một thỏa thuận hợp lý ngay cả sau giai đoạn chuyển tiếp.
Hiện Chính phủ Anh đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi thế đa số của đảng cầm quyền trong quốc hội rất mong manh và một thỏa thuận sau cùng đệ trình lên quốc hội hoàn toàn có thể bị bác bỏ.
Phe chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng May đã bắt đầu chiến dịch "Cứu vớt Brexit" nhằm thúc đẩy "một cuộc chia tay không lưu luyến" với EU. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân nước này vẫn rất chia rẽ về vấn đề Brexit, trong đó nhóm ủng hộ ở lại EU có thể đạt đa số ít ỏi.
Lê Ánh (TTXVN)
© 2024 | Thời báo ĐỨC