Đức và Phần Lan nhất trí mở rộng hợp tác song phương

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo ngày 14/7 đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Đức trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Phần Lan. Trong cuộc gặp người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tái khẳng định các giá trị và mục tiêu chung, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

1 Duc Va Phan Lan Nhat Tri Mo Rong Hop Tac Song Phuong

Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Scholz khẳng định Đức và Phần Lan là những đối tác và bạn bè thân thiết, hai nước có mối quan hệ chặt chẽ trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh tư cách thành viên NATO của Phần Lan, và sắp tới là Thụy Điển, góp phần củng cố liên minh quân sự này và tăng cường an ninh trên toàn châu Âu.

Thủ tướng Scholz đánh giá tiềm năng hợp tác giữa Đức và Phần Lan là rất lớn. Hai bên cam kết mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là hydro. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước có thể góp phần đưa khu vực Baltic và Biển Baltic trở thành “hành lang hydro” quan trọng của châu Âu.

Về phần mình, Thủ tướng Orpo đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Phần Lan-Đức và cho rằng thông qua cách thức hợp tác đầu tư vào năng lượng tái tạo, hai nước vừa tiến hành quá trình chống biến đổi khí hậu, vừa tạo việc làm, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Phần Lan là sở hữu môi trường đầu tư hết sức thuận lợi với nhiều kiến thức công nghệ, thiên nhiên trong lành và nhiều dư địa hợp tác.

Vấn đề hợp tác chính trị trong EU cũng đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận. Theo Thủ tướng Scholz, chỉ khi EU có vị thế tốt thì liên minh này mới có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của mình với tư cách là một tác nhân địa chính trị thống nhất. Để đạt được mục tiêu này, các quá trình ra quyết định của EU sẽ phải được tăng tốc. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh đây chính là lý do ông ủng hộ đề xuất mở rộng nguyên tắc quyết định theo đa số trong Hội đồng châu Âu sang một số lĩnh vực mà trước đây chỉ áp dụng nguyên tắc đồng thuận.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về cách thức EU có thể chuẩn bị cho quá trình mở rộng khối, để các quốc gia Tây Balkan, Ukraine, Moldova và Gruzia có thể gia nhập EU trong tương lai không xa.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác hỗ trợ Ukraine một cách toàn diện, cho tới khi nào còn cần thiết.

Vũ Tùng (TTXVN)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày