Cảnh sát Đức ở lối vào Nhà thờ Cologne vào ngày 31/12 (Ảnh: NurPhoto/Getty).
Đường phố thủ đô nước Đức ngày 31/12 sẽ chứng kiến số lượng cảnh sát nhiều gấp đôi so với đêm 31/12/2022, thời điểm xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và các nhóm thanh niên.
Cảnh tượng bạo lực ngày hôm ấy cũng chính là yếu tố then chốt dẫn đến chiến thắng bất ngờ của các đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử thành phố hồi tháng 2, chấm dứt 22 năm nắm quyền của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng của Thủ tướng Olaf Scholz.
Chính quyền thủ đô Berlin hiện do đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) lãnh đạo sẽ phải chịu áp lực lớn trong việc chứng minh họ đã lật ngược tình thế và có thể duy trì an ninh tốt hơn chính quyền cũ.
Để đạt mục tiêu đó, họ đã huy động tăng cường 3.500 cảnh sát từ chính Berlin và từ các bang lân cận là Saxony và Saxony-Anhalt để duy trì trật tự ở thủ đô.
"Đây là đợt triển khai đêm giao thừa lớn nhất mà chúng tôi từng thấy trong nhiều thập kỷ", Barbara Slowik, Giám đốc cảnh sát Berlin, cho biết.
Nhiều quan chức vẫn lo ngại nguy cơ bạo lực đã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10, kéo theo sau là chiến dịch oanh tạc và tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza.
Từ đó tới nay, Berlin đã chứng kiến làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine, thường là ở chính những khu vực từng xảy ra bạo lực vào ngày cuối cùng của năm ngoái.
"Chúng tôi nhận thức được thực tế là tình hình an ninh trong thành phố căng thẳng hơn kể từ ngày 7/10 so với trước đây", Kai Wegner, Thị trưởng Berlin, cho biết.
Đêm cuối năm ở Đức thường là lý do để giới trẻ bắn pháo hoa ở các khu dân cư đông đúc. Cảnh tượng này thường diễn ra trong vài giờ và có thể trông giống vùng chiến sự với tiếng nổ đinh tai nhức óc, những cột khói đen và còi hú của xe cứu thương.
Nhưng buổi lễ năm ngoái ở Berlin đã nhanh chóng trở nên bạo lực, một phần do say rượu tiếp tay. Các nhóm thanh niên đã đốt ô tô và xe buýt, nhắm pháo hoa trực tiếp vào cảnh sát và xe cứu hỏa, đồng thời phục kích và tấn công các cơ quan ứng phó khẩn cấp.
Thực tế là nhiều người gây rối có nguồn gốc nhập cư đã làm dấy lên cuộc tranh cãi lớn trên toàn nước Đức trong nhiều tháng, theo Financial Times. Các nhà bình luận bảo thủ cho rằng sự cố này chứng tỏ Đức không thể hòa nhập được nhiều người tị nạn đến trong làn sóng di cư lớn năm 2015-2016.
Theo Financial Times
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC