Một pháo tự hành tại trường huấn luyện ở vùng Bavaria của Đức hôm 27/6 (Ảnh: DPA).
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phòng vệ Nội địa Bundeswehr ngày 16/7 cho biết, "Kế hoạch triển khai bí mật của Đức" (OPLAN DEU) vẫn đang được hoàn thiện và liên tục cập nhật.
Xác nhận được đưa ra sau khi trang tin Der Spiegel tuần trước dẫn nguồn giấu tên nói rằng, Berlin đang chuẩn bị triển khai khoảng 800.000 quân NATO và 200.000 phương tiện qua lãnh thổ nước này trong trường hợp căng thẳng giữa phương Tây và Nga bùng lên thành xung đột toàn diện.
"Trong trường hợp tình hình an ninh diễn biến theo chiều hướng xấu, việc các lực lượng hàng đầu của NATO có khả năng nhanh chóng di chuyển đến sườn phía đông của liên minh chính là biện pháp răn đe trụ cột", một phát ngôn viên quân đội Đức cho biết.
Quan chức này nhấn mạnh thêm: "Nhiệm vụ thiết yếu của Berlin là đảm bảo quá trình triển khai và hỗ trợ các lực lượng đồng minh và Đức diễn ra theo đúng kế hoạch, với tư cách chủ nhà, Đức sẽ đóng vai trò trung tâm. Theo kế hoạch của NATO, hàng trăm nghìn binh sĩ phải được cung cấp dịch vụ hậu cần và y tế liên tục".
Trước đó, Der Spiegel đưa tin, giới hoạch định chính sách Đức và NATO đang cân nhắc phương án phân bổ lực lượng khổng lồ này trên các tuyến đường chính của đất nước, đặc biệt chú ý đến tuyến đường cao tốc A2 dài khoảng 480km chạy từ thành phố Oberhausen ở phía tây đến ngoại ô Berlin ở phía đông, gần biên giới Ba Lan.
Tuyến đường này và một số cây cầu quan trọng có thể sẽ là mục tiêu chính cho các cuộc không kích của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.
"Để kế hoạch thành công, OPLAN DEU nêu rõ các yêu cầu đối với quân đội Đức cũng như cũng như đối với các tổ chức nhà nước, dân sự khác phải đáp ứng trong phòng thủ. Vì lý do an ninh quân sự, chúng tôi không thể đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào và cũng không thể xác nhận các số liệu được liệt kê trong bài viết", phát ngôn viên cho biết.
Một tài liệu tóm tắt của OPLAN DEU do Bộ Quốc phòng Đức cung cấp cho thấy chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga vào tháng 2/2022 đã làm rung chuyển tận gốc cấu trúc an ninh châu Âu, đồng thời buộc Đức phải thiết lập lại hệ thống phòng thủ cũng như năng lực thực hiện các nghĩa vụ với liên minh.
Giới chức Đức từng cảnh báo mối đe dọa tiềm tàng về cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga. Trên thực tế, khối cũng đang ngày càng ủng hộ Kiev, trong khi Moscow không có dấu hiệu sẽ lùi bước trong chiến dịch của họ.
Theo Newsweek
© 2024 | Thời báo ĐỨC