Đức chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nếu có dịp đi ngang dọc nước Đức trên những cung đường cao tốc liên bang, hay quan sát qua ô kính cửa sổ tàu hỏa, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những cánh đồng điện gió, hay điện mặt trời rộng thênh thang, trải dài trên những sườn đồi, tạo thành một điểm nhấn thú vị.
Đó chính là những nguồn cung cấp điện “sạch”, đang dần thay thế điện từ các nhà máy điện năng lượng nguyên tử hay các nhà máy điện than đá và khí đốt – vốn chiếm tới 40% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và mang đến nhiều nguy cơ về an toàn cũng như tác động xấu đến môi trường nhất.
“Thực đơn năng lượng” phong phú
Khoảng 10 năm trước, Đức từng đặt ra mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành nền kinh tế xanh đầu tiên trên thế giới, sử dụng hoàn toàn điện các nguồn năng lượng tái tạo.
Là một quốc gia có nền khoa học cũng như kinh tế rất phát triển, Đức có đủ nguồn lực kỹ thuật và kinh phí để chuyển đổi từ nền kinh tế carbon sang nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải khá nhiều cản trở, trong đó có cả vấn đề chính trị và pháp lý. Một số đảng ủng hộ mạnh mẽ, song cũng có những đảng nêu vấn đề giải quyết việc làm và chi phí để cản trở quá trình chuyển đổi này.
Cho đến nay, “thực đơn năng lượng” của Đức bao gồm các nguồn sản xuất điện từ năng lượng thông thường (than đá, khí đốt, hạt nhân), tiếp đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió (trên đất liền, trên biển), thủy năng và năng lượng sinh học.
Vào thời điểm đầu tháng 8/2018, tổng các nguồn năng lượng này đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ 55GW trên toàn nước Đức, buộc các nhà máy điện than đá, khí đốt và hạt nhân phải giảm bớt công suất, trong khi người dân được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện để “ngốn” bớt nguồn cung dư từ điện gió và điện mặt trời.
Cách đây 10 năm, nguồn năng lượng tái tạo chỉ mới chiếm 7% trong “thực đơn năng lượng” của nước Đức nhưng giờ đây, tỷ lệ đó đã vượt qua mức 1/3, hoàn thành sớm hơn hai năm so với mục tiêu đề ra cho cột mốc 33% năng lượng tái tạo vào năm 2020.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, nước Đức cũng có thể sớm hoàn thành mục tiêu 50% năng lượng tái tạo trước năm 2030, đồng thời tiến đến cột mốc loại bỏ hoàn toàn nguồn điện từ năng lượng hóa thạch và hạt nhân vào năm 2050.
Hiện tại, Đức cũng đã đóng cửa một số cơ sở trong tổng số 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn liên bang. Những nhà máy được xây dựng từ năm 2013 vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2022, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Đức.
Các nhà máy điện than cũng sẽ dần phải đóng cửa, do vấn đề ô nhiễm môi trường mà chúng gây ra. Điện than được đánh giá “bẩn” nhất trong số các nguồn sản xuất điện hiện nay.
Việc đầu tư vào phát triển quang điện, phong điện và điện sinh học cũng đồng thời tạo ra hàng trăm nghìn việc làm ở Đức, xóa bỏ nỗi lo thất nghiệp của công nhân khi nhu cầu khai thác than đá giảm.
Theo đánh giá của Cơ quan Môi trường Liên bang Đức, chi phí chuyển đổi sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo thậm chí còn ít hơn nhiều so với số tiền mà nước này phải bỏ ra để giải quyết hậu quả về môi trường, biến đổi khí hậu trong tương lai.
Vấn đề biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu tác động không nhỏ tới việc sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Việc xuất hiện ít gió trong năm 2018 khiến hiệu xuất của các nhà máy điện gió tại Đức giảm đáng kể.
Trong tháng 7/2018, 38.000 turbine trải dài khắp nước Đức, với công suất thiết kế 58.000MW, chỉ đóng góp được 1.300MW vào lưới điện quốc gia. Cũng trong tháng đó, tổng sản lượng điện gió tại Đức chỉ đại 4,4 tỷ kW, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhưng ngược lại, mùa Hè 2018 – nóng và khô hạn nhất trong vòng hơn một thế kỷ qua ở Đức – đã mang lại không ít cơ hội cho việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời.
Trong tháng 7/2018, khi có lúc nhiệt độ lên tới 39 độ C và thời gian nắng kéo dài, nước Đức đã sản xuất được 6 tỷ kW điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, có một vấn đề kỹ thuật là nếu nền nhiệt quá cao, công suất của các module quang điện lại giảm. Nếu cái nắng 39 độ của tháng 7/2018 mang lại công suất 27.000MW cho toàn bộ hệ thống quang điện ở Đức thì cái nắng chỉ 23 độ trong tháng 5/2018 lại cho công suất lên tới 32.000MW.
Nền nhiệt vừa phải mới thực sự mang lại công suất tối ưu cho các hệ thống quang điện, trong khi nếu trời quá nắng, công suất sản xuất điện mặt trời có thể mất đi 5%.
Ngay cả các nhà máy sản xuất điện từ nguồn năng lượng thông thường cũng bị ảnh hưởng. Nắng nóng khiến mực nước ở các con sông giảm, buộc các nhà máy điện than đá, khí đốt và hạt nhân phải giảm công suất do nguồn nước làm mát bị hạn chế, hoặc khả năng làm mát giảm do bản thân nền nhiệt từ nguồn nước làm mát tự nhiên vốn đã khá cao.
Mặc dù chịu tác động từ yếu tố biến đổi khí hậu, song trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo ở Đức – bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh học – đã chiếm 36% tổng sản lượng điện toàn liên bang.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo đã vượt qua tỷ lệ điện từ nguồn than đá, một cột mốc rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh của nước Đức.
Những gì xảy ra trong mùa Hè 2018 cũng giúp các nhà hoạch định chính sách của Đức có cái nhìn thực tế hơn về “thực đơn năng lượng”.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước Đức sẽ vẫn duy trì một tỷ lệ cân bằng nhất định giữa các nguồn năng lượng, nhằm tránh những cú sốc do vấn đề biến đổi khí hậu gây ra, trong tình huống các nguồn năng lượng tái tạo không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho toàn bộ nền kinh tế.
Dù vậy, xu hướng chuyển đổi từ nền kinh tế carbon sang nền kinh tế xanh ở Đức là vẫn không thể đảo ngược, và nước Đức vẫn tiếp tục kiên trì với mục tiêu “xanh hóa” toàn bộ nguồn năng lượng vào năm 2050, tất nhiên với những bước đi chắc chắn hơn.
Trong một động thái liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, thủ đô Berlin của Đức sẽ tiến hành lệnh cấm sử dụng xe chạy nhiên liệu diesel trên một số tuyến đường ở khu vực trung tâm từ tháng 4/2019.
Lệnh này vừa được một tòa án ở Berlin đưa ra, bắt buộc chính quyền phải thực hiện cấm những xe ô-tô sử dụng nhiên liệu diesel có mức khí thải theo tiêu chuẩn từ Euro 1 đến Euro 5, trước mắt trên 8 tuyến đường chính. Chỉ những xe diesel đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ Euro 6 trở lên mới được lưu hành.
Quyết định này dự kiến sẽ ảnh hưởng tới khoảng 200.000 phương tiện sử dụng động cơ nhiên liệu diesel đang lưu hành ở Berlin. Thủ đô Berlin là thành phố thứ tư tại Đức, sau Stuttgart, Hamburg và Frankfurt, ra lệnh cấm xe ô tô sử dụng nhiên liệu diesel do vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nguồn: TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC