Đức tích trữ khí đốt nhanh hơn dự kiến khiến Nga mất lợi thế khi mùa đông đến?

Chính phủ Đức cho biết nước này đang tích trữ khí đốt nhanh hơn kế hoạch đề ra dù nguồn cung từ Nga bị cắt giảm mạnh. Moscow thường bị cáo buộc dùng khí đốt để gây sức ép với châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang.

1 Duc Tich Tru Khi Dot Nhanh Hon Du Kien Khien Nga Mat Loi The Khi Mua Dong Den

"Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, các kho dự trữ đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến"- Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck ngày 28/8 cho hay- "Mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ khí đốt vào tháng 10 có thể đạt được ngay trong đầu tháng 9 với mức hiện tại là 82%"

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga. Họ đã phải tăng cường dự trữ cho mùa đông sau khi lượng khí đốt từ Moscow giảm mạnh do xung đột ở Ukraine.

Tuần trước, cơ quan quản lý năng lượng Đức cho biết nước này khó có thể đạt được các mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, chính phủ trấn an rằng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong thời gian gần đây và việc tích cực mua khí đốt từ các nhà cung cấp khác đã giúp Đức có được những "tiến bộ đáng kể".

2 Duc Tich Tru Khi Dot Nhanh Hon Du Kien Khien Nga Mat Loi The Khi Mua Dong Den

Dòng chảy khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang Đức đã giảm mạnh xuống chỉ còn 20%.

Để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, Berlin hồi tháng 7 đặt ra một loạt mục tiêu nhằm giúp các kho dự trữ khí đốt đạt 95% công suất vào tháng 11.

Chính phủ cũng đề xuất biện pháp cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn và giảm tiêu thụ năng lượng trong những tòa nhà công cộng.

Đức đồng thời chi 1,5 tỷ USD để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng, với Mỹ và Qatar là những nhà cung cấp chính.

Trong một động thái liên quan, Nga được cho là đang đốt lượng khí đốt do không xuất sang được các khách hàng truyền thống như Đức.

3 Duc Tich Tru Khi Dot Nhanh Hon Du Kien Khien Nga Mat Loi The Khi Mua Dong Den

"Vệ tinh giám sát bức xạ nhiệt cho thấy từ ngày 11/7, Nga đốt một lượng lớn khí tự nhiên tại cơ sở Portovaya gần biên giới với Phần Lan. Số khí đốt này lẽ ra được cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức", công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho biết trong báo cáo được công bố ngày 26/8.

4 Duc Tich Tru Khi Dot Nhanh Hon Du Kien Khien Nga Mat Loi The Khi Mua Dong Den

Báo cáo cho biết hoạt động trên được chú ý sau khi các công dân Phần Lan nhìn thấy một ngọn lửa lớn ở bên kia biên giới với Nga.

Theo ước tính của Rystad Energy, lượng khí đốt mà Nga đốt mỗi ngày tại Portovaya là khoảng 4,38 triệu m3. Với mức giá hiện tại ở châu Âu, số khí đốt nói trên trị giá khoảng 10 triệu USD.

Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu đã giảm 77% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2021, theo Rystad.

Hiện Nga nêu các điều kiện để cung cấp cho EU lượng khí đốt họ yêu cầu, về việc thanh toán, bàn giao tuabin và hoạt động của đường Nord Stream 2.

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khối lượng đã ký theo hợp đồng, thậm chí ngay bây giờ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn phụ thuộc vào lập trường của châu Âu, của các nước phương Tây", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev trả lời kênh truyền hình LCI của Pháp hôm 26/8.

"Nếu chúng tôi bị 'trói tay', việc thanh toán bị cấm, chúng tôi không được bàn giao các tuabin đã sửa chữa, hay việc đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động bị từ chối, thì nguồn cung có thể không đạt khối lượng như các nước phương Tây mong đợi", ông Medvedev nhấn mạnh.

Chính phủ các nước châu Âu không mong muốn kịch bản hệ thống sưởi ấm và nhà máy phải ngừng hoạt động do thiếu khí đốt.

Nguồn cung giảm đẩy giá khí đốt và điện tăng vọt, do nhiều nhà máy nhiệt điện ở châu Âu vẫn sử dụng nguồn nhiên liệu này.

EU đã kêu gọi chia sẻ và tiết kiệm năng lượng giữa các thành viên trước một mùa đông khó khăn.

EU tháng trước thông qua đề xuất các thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023.

5 Duc Tich Tru Khi Dot Nhanh Hon Du Kien Khien Nga Mat Loi The Khi Mua Dong Den

Ukraine và Đức cáo buộc Nga biến khí đốt thành vũ khí gây sức ép với EU.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ theo hợp đồng, nhưng không thể bị đổ lỗi khi EU hoặc Canada áp đặt các lệnh cấm vận đơn phương đối với thiết bị, như các tuabin của Siemens cho Nord Stream 1.

Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2, hoàn thành cuối năm 2021, đã bị Đức hoãn cấp giấy phép vô thời hạn hồi tháng 2.

Nord Stream 2 được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan, tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm.

Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày