Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói chuyện với binh sỹ Đức tham gia chống IS tại căn cứ Incirlik tại Adana, thành phố miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/7/2016.
Theo Spiegel Online, tại một cuộc họp của Quốc hội Đức vào ngày 26/5, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này cho biết Berlin dự kiến tổ chức 2 tuần đàm phán với Ankara về vấn đề này, trước khi đưa ra quyết định có rút các binh sĩ được điều đến căn cứ Incirlik hay không.
Căn cứ Không quân Incirlik hiện chủ yếu được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sử dụng, nhưng Đức có khoảng 260 lính, các máy bay phản lực Tornado và các máy bay tiếp dầu ở căn cứ này, để hỗ trợ các hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hồi giữa tháng này, Berlin đe dọa sẽ cân nhắc việc chuyển các binh sĩ Đức từ Incirlik sang đóng quân Jordan, Kuwait hoặc Cyprus sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép một nhóm các nghị sĩ Đức tới căn cứ quân sự này vào ngày 15/5 với lý do chuyến thăm “không thích hợp tại thời điểm này”.
Động thái từ chối của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm trả đũa việc Đức cấp quy chế tị nạn đối với một nhóm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm nơi ẩn náu tại Đức sau khi tham gia vào cuộc đảo chính quân sự thất bại tại nước này hồi tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Ankara từ chối cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm Incirlik do những khác biệt về chính trị. Tháng 6/2016, một nhóm nghị sỹ Đức cũng đã bị từ chối cho phép thăm cơ sở này sau khi Quốc hội Đức thông qua một nghị quyết công nhận nạn diệt chủng đối với người Armenia năm 1915.
Tháng 9/2016, Bộ Quốc phòng Đức đã quyết định tài trợ 58 triệu euro (65 triệu USD) vào cơ sở hạ tầng quân sự tại Incirlik, bao gồm 26 triệu euro cho một sân bay sẽ được sử dụng cho các máy bay do thám Tornado của Đức và 30 triệu euro cho một đơn vị chỉ huy của Không quân Đức. Tuy nhiên, các dự án này hiện đã bị hoãn lại.
Tuần trước, phản ứng với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng việc đến thăm các binh lính của nước này đóng quân tại Incirlik là quyền “không thể xâm phạm” của các nghị sỹ Đức, “nếu không chúng tôi sẽ phải rời khỏi Incirlik”.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ vào tuần trước, bà Merkel đã đề cập vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nhưng cuộc thảo luận kéo dài 20 phút của hai nhà lãnh đạo này không đạt được thỏa hiệp.
Về phần mình, ông Erdogan cho rằng việc Đức rời khỏi Incirlik sẽ không gây ra vấn đề cho Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Nếu đó là điều họ muốn làm, đó không phải là vấn đề lớn đối với chúng tôi. Nếu họ đi, chúng tôi sẽ nói 'tạm biệt', không có gì thêm nữa".
Cũng theo Spiegel Online, ngày 26/5, các nhà ngoại giao Đức đã dũng cảm đối mặt với cuộc tranh cãi này khi tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng Chính phủ Đức đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các nghị sỹ Đức đến thăm căn cứ Không quân của NATO ở Konya, nơi các phi công Đức đang tham gia vào các nhiệm vụ do thám sử dụng máy bay AWACS.
Hữu Tiến/Báo Tin Tức
© 2024 | Thời báo ĐỨC