Khi Anh quốc đang chuẩn bị rời khỏi EU và làn sóng mị dân tăng nhanh ở Châu Âu đang đe doạ những giá trị tự do căn bản của liên minh, hiệp ước mới giữa Pháp và Đức cam kết hết lòng bảo vệ liên minh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình, an ninh và ủng hộ việc thành lập khẩn cấp quân đội chung châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thách thức của châu Âu là trở thành "lá chắn" chống lại các hiểm hoạ của thế giới.
Tổng thống Pháp Macron ký kết cùng thủ tướng Merkel hiệp ước Pháp Đức tại Aachen. Ảnh: AFP, BBC
Pháp và Đức ký kết gì?
Pháp và Đức đồng ý cùng làm việc để đưa ra tuyên bố chung về các vấn đề lớn của EU và có kế hoạch hoạt động như một lực lượng chung tại Liên Hợp Quốc.
Hai quốc gia cam kết đưa ra các giải pháp chung để củng cố "khả năng hành động tự chủ của châu Âu".
Hai quốc gia cam kết:
- Hợp tác kinh tế sâu rộng trong một "khu kinh tế" Pháp-Đức
- Phát triển khả năng quân sự của châu Âu, cùng đầu tư để "lấp khoảng trống về năng lực, từ đó củng cố" EU và NATO
- Đặt ra khả năng triển khai quân sự chung hay khả năng có chung một hội đồng quốc phòng và an ninh Pháp-Đức
Đối với giới trẻ, hai bên đã thỏa thuận tập trung vào trao đổi văn hóa và tăng cường học hỏi ngôn ngữ của nhau, với mục tiêu thành lập một trường đại học Pháp-Đức.
Ngoài ra hai bên còn có kế hoạch hợp tác gần gũi hơn liên kết xuyên biên giới và sử dụng "song ngữ" nhiều hơn ở cả hai bên biên giới.
Quan hệ Pháp-Đức là nền móng của châu Âu
Cách đây vừa tròn 56 năm hiêp ước hợp tác giữa Pháp và Đức đã được ký kết tại Paris giữa Konrad Adenauer a Charles de Gaulle. Bà Merkel tuyên bố Đức và Pháp lại củng cố lại căn bản quan hệ giữa hai nước. Bà nói: "Chúng ta phải tự hào hiệp ước đó đến nay vẫn tồn tại và mang lại thành quả."
Tổng thống Pháp Macron tuyên bố rằng: "Trong thế giới và châu Âu ngày nay, Đức và Pháp phải nhận lấy trách nhiệm và nhiệm vụ dẫn đường".
Ký hiệp ước hữu nghị Pháp - Đức tại Paris năm 1963
Liên minh Pháp - Đức sẽ bỏ rơi các nước chậm tiến tại EU?
Đức và Pháp có bất đồng lớn với nhiều nước EU đặc biệt với các nước đông Âu về vấn đề người tỵ nạn.
Cựu tổng thống Séc Václav Klaus cho rằng Đức và Pháp đã hết hy vọng vào sự liên kết chung của EU, với việc ký hiệp ước này họ sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn sự hợp tác song phương và bỏ qua các nước theo họ làm cản trở sự liên kết của EU.
Theo bình luận của Václav Klaus, Macron muốn đứng đầu EU còn Merkel muốn được mọi người nhớ đến mình. Trong tương lai, "liên minh" Pháp-Đức sẽ là một đề án song song với EU hiện nay.
Pháp và Đức muốn tạo nên một khối liên kết chặt chẽ có sức mạnh, tiếng nói lớn hơn tại EU và trên thế giới.
Những nước EU có mức độ hội nhập tương ứng sẽ tham gia khối liên kết này. Có khả năng trong tương lai, những nước thành viên EU chậm tiến hơn sẽ tự bị loại ra khỏi bàn đàm phán về những vấn đề quan trọng của liên minh.
MN - Tổng hợp theo BBC News
© 2024 | Thời báo ĐỨC