Cuộc tranh luận kéo theo những chia rẽ sâu sắc về quan điểm tôn giáo, văn hóa, thậm chí là chính trị trong xã hội Đức.
Tờ Spiegel trong bài viết nhan đề:
“Tranh luận về việc cấm Burqa: Mạng che phủ kín mặt phần lớn bị cấm ở Đức” đăng ngày 22-8 đã mô tả cuộc tranh luận nảy lửa này.
Câu chuyện của bài báo bắt đầu bằng trường hợp của một phụ nữ Hồi giáo 20 tuổi gốc Thổ. Hồi tháng 1 năm nay, khi người này bước chân vào một chi nhánh của ngân hàng Sparkasse ở thành phố Neuss, phía tây nước Đức, người phủ Niqab (loại mạng che mặt màu đen, chỉ chừa đôi mắt) này ngay lập tức bị một nam nhân viên ngân hàng chặn lại.
Người nhân viên này dẫn lệnh cấm trùm mặt khi bước vào ngân hàng và chỉ cho cô thấy cảnh báo đặt ở cửa ra vào với hình một chiếc mũ bảo hiểm gạch chéo.
Thường thì những khách hàng như người phụ nữ trên sẽ được dẫn vào một phòng kín có nhân viên nữ túc trực. Khi đó, người nhân viên này sẽ nâng mạng che mặt của khách hàng lên kiểm tra trước khi họ được tiếp cận khu vực thực hiện các giao dịch. Nhưng ngặt nỗi hôm đó chỉ có nhân viên nam ở ca trực nên không thể vén mạng che mặt lên kiểm tra.
Người khách hàng nữ trên sau khi xung đột với nhân viên ngân hàng đã rời khỏi đây mà không hoàn tất giao dịch của mình. Chồng cô này – người đã sinh ra tại Đức và là khách hàng lâu năm của ngân hàng Sparkasse phẫn nộ cho biết:
“Từ sau sự cố đó, vợ tôi đã sốc nặng”.
Các trang phục truyền thống của Hồi giáo từ Hijab đến Burqa – Ảnh: Spiegel
Cấm hay không mạng che mặt?
Các chính trị gia bảo thủ Đức đang muốn áp dụng cách mà ngân hàng Sparkasse đang làm trên phạm vi toàn quốc: cấm mạng che mặt ở những nơi công cộng như Pháp đang làm. Thậm chí, bộ trưởng Nội vụ bang Bayern – Joachim Herrmann bình luận: “Rõ ràng Burqa (mạng che trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ khoét những lỗ nhỏ để mắt nhìn thấy xung quanh) không phải là thứ trang phục cho người dân Đức”.
Tuy nhiên các chuyên gia luật cảnh báo một lệnh cấm các trang phục Hồi giáo như Burqa hay Niqab là vi hiến khi “xâm phạm tự do tôn giáo”. Một hành động không thể biện minh trước các quy định của pháp luật hiện hành. Một báo cáo tuồn ra từ Quốc hội Đức cho rằng: “trừ khi Hiến pháp được thay đổi, nếu không một lệnh cấm như vậy không thể được ban hành”.
Mathias Rohe – một chuyên gia về luật pháp được tờ Spiegel dẫn lời cho biết nếu muốn cấm trang phục che kín mặt của Hồi giáo, chỉ có thể áp dụng một phần trong trường hợp mặc những phục trang này gây mất an toàn ở nơi làm việc, mất an toàn giao thông hay trong các trường hợp khi nhận dạng khuôn mặt trong giao tiếp là yêu cầu bắt buộc (như kiểm tra an ninh tại sân bay, xét xử tại tòa án, chụp hình hộ chiếu…).
Tại các trường học tại nhiều bang ở Đức cũng từng xảy ra nhiều vụ tòa án buộc giáo viên tháo mạng che mặt khi giảng dạy để tăng cường giao tiếp với học sinh, sinh viên.
Làn sóng tranh luận về cấm trang phục Hồi giáo che kín mặt bùng lên gần đây tại Đức cho thấy một làn sóng bài ngoại gia tăng khi chính quyền thủ tướng Merkel áp dụng chính sách mở cửa đón người di cư, trong đó phần lớn là những người di cư đến từ các quốc gia Hồi giáo như Syria.
Một nhóm phụ nữ ở Đức mang trang phục có mạng che mặt – Ảnh: Spiegel
Đức thời gian gần đây cũng chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố gây ra bởi những phần tử Hồi giáo cực đoan. Cấm hay không trang phục che kín mặt vì thế trở thành đề tài “nhạy cảm” và “nóng bỏng”.
Chính quyền thủ tướng Merkel thông qua đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp Đức Thomas de Maiziere đòi cấm phụ nữ Hồi giáo tại nước này trùm burqa và niqab tại các trường học, các cơ quan chính quyền và lúc lái xe đã cho thấy sự ủng hộ “ngầm” của Berlin.
Trước áp lực cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào năm tới khi muốn giành chiến thắng, liên minh đảng của bà Merkel phải giải quyết 2 vấn đề: đưa người di cư hội nhập tốt với xã hội và giải quyết làn sóng chống đối bà từ người dân trong nước vì lo ngại an ninh, văn hóa Đức bị “Hồi giáo hóa”.
Để trấn an dư luận, việc chính quyền Merkel ủng hộ cấm Burqa hay Niqab tại một số khu vực không phải là động thái quá bất ngờ.
Nguồn: Báo Công An
© 2024 | Thời báo ĐỨC