Các binh lính Đức thực hiện nhiệm vụ tại Mali
Trong gần ba thập kỷ qua, nước Đức đã tiêu tốn khoản tiền 21 tỷ Euro (tương đường 25 tỉ USD) vào 52 lần triển khai quân đội tại nước ngoài và khiến 108 lính Đức bị thiệt mạng. Đây là những thông tin được Bộ quốc phòng Đức đưa ra vào giữa thời điểm một số quan chức hàng đầu nước này kêu gọi Berlin không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy.
Hãng tin DPA dẫn phần trả lời của Bộ Quốc phòng Đức trước yêu cầu cung cấp thông tin từ Đảng Die Linke (Đảng Cánh tả) cho biết, khoảng 410.000 binh lính Đức đã được triển khai trong 52 nhiệm vụ quốc tế bên ngoài nước Đức kể từ năm 1991.
Các báo cáo của Frankfurter Allgemeine chỉ ra, khoản chi phí 21 tỷ Euro đánh vào tiền thuế cho các sứ mệnh trên, trong thực tế cao hơn so với những đánh giá trong quá khứ. Còn theo Spiegel and FAZ, chi phí chỉ là một khía cạnh của vấn đề, cái giá con người phải trả còn nghiêm trọng hơn. 37/108 binh lính Đức bị thiệt mạng trong khi đang thi hành nhiệm vụ.
“Các nhiệm vụ [của quân đội Đức] tại nước ngoài không chỉ tốn kém tiền bạc – nhiều binh lính đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Điều này đặc biệt đau đớn, bởi vì thông thường không có các cuộc xung đột vũ trang nào được giải quyết thông qua triển khai quân đội,” ông Sabine Zimmermann, Phó chủ tịch Đảng Die Linke nói. Ông cho rằng, lực lượng quân đội Đức cần phải quay trở về đúng bản chất là một “lực lượng phòng thủ”, rút ra khỏi các nhiệm vụ nước ngoài, đồng thời “xuất khẩu vũ khí cần phải bị cấm.”
Những thông tin trên xuất hiện vào đúng thời điểm nhiều chính trị gia đang kêu gọi cần có một sự cải tổ lớn cho chính sách quân sự của nước Đức. Ông Martin Schulz, nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Đức, đồng thời là đối thủ của Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc bầu cử tháng Chín sắp tới - đã không tiếc lời chỉ trích kế hoạch gia tăng chi tiêu quân sự của Chính phủ hiện tại. Tăng cường ngân sách quốc phòng chính là một yêu cầu được Tổng thống Trump nhắc đi nhắc lại trước các thành viên trong NATO.
Hôm thứ Tư (23/8), ông Schulz đề xuất, số tiền dự chi cho ngân sách quốc phòng để đáp ứng được mức 2% GDP (áp dụng cho các quốc gia NATO) nên được sử dụng cho giáo dục và phúc lợi xã hội.
Ngoại trưởng Sigmar Gabriel cũng bày tỏ sự không hài lòng trước những chương trình vũ trang quy mô lớn của nước Đức. Tuần trước, ông đã viết một bài bình luận, trong đó đề cập, Berlin không được “quỳ gối” trước những áp lực của Washington về ngân sách quốc phòng. Theo ông, nước Đức cần phải thoát khỏi “thứ logic rằng nền an ninh sẽ chỉ đạt được thông qua trang bị vũ trang.”
Đức hiện đang chi khoảng 37 tỷ Euro (tương đương 43,6 tỷ USD) cho quốc phòng – tương đương với 1,2% GDP. Chạm mức 2% đồng nghĩa với việc chi phí quốc phòng có thể sẽ phải tăng gấp đôi. Schulz và Thomas Opperman – một nhà lãnh đạo khác của Đảng Dân chủ xã hội Đức khẳng định trong một bài viết, mục tiêu này không chỉ phi hiện thực, mà nó sẽ không được người dân Đức chấp nhận, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử của nước này.
Hai nhà chính trị gia phân tích, nếu chi tiêu quốc phòng được tăng gấp đôi, nước Đức sẽ trở thành cường quốc quân sự lớn nhất tại châu Âu, và theo họ, “không ai muốn điều này bởi vì lịch sử của chúng ta. Nó cũng không mang lại ý nghĩa gì cho tương lai.”
Bên cạnh vấn đề ngân sách, một số vấn đề khác cũng đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực lên danh tiếng của quân đội Đức. Hồi tháng Một, tờ báo Augsburger Allegmaine tiết lộ, gần một nửa trong số 225 xe tăng cận chiến của quân đội Đức cần phải được hiện đại hoá khẩn cấp và chỉ 38 trên tổng số 89 máy bay chiến đấu Tornado của Đức sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức cho biết thêm, chỉ 25/57 các máy vận chuyển của không lực Đức có thể vận hành chỉn chu.
Tờ Die Welt đưa tin, các phương tiện thiết giáp mà quân đội Đức triển khai đến Mali trong một nhiệm vụ của Liên hợp quốc, đã không thể hoạt động trong điều kiện “bụi bẩn” và “đường đá”. Các trực thăng tấn công Tiger của không lực nước này tại Mali cũng thường xuyên gặp vấn đề hỏng hóc khi nhiệt độ vượt quá 43 độ C (nhiệt độ ban ngày trung bình tại Mali vào khoảng 44-45 độ C).
Cuối tháng Bảy, Đức đã “mất” chiếc Tiger đầu tiên tại Mali. Hãng tin Reuters dẫn lại kết quả một cuộc điều tra quân sự cho biết, một số bộ phận của chiếc phi cơ không hoạt động (bao gồm cả rotor cánh quạt chính) trong vòng 10 giây trước khi đâm xuống sa mạc.
Minh Đức, Theo RT
© 2024 | Thời báo ĐỨC