Ngày 27/1, Đức đã công bố danh sách các nước, chủ yếu ở khu vực châu Á, có triển vọng hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU), coi đây là biện pháp thúc đẩy thương mại tự do trên toàn thế giới, trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng New Zealand Bill English tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Đức ngày 16/1. Ảnh: FABRIZIO BENSCH/REUTERS
Các nước nói trên bao gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Australia và New Zealand.
Trong văn bản được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU tại Brussels (Bỉ), Đức kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng tập hợp sáng kiến để đạt được tiến triển mang tính quyết định trong các cuộc đàm phán thương mại với các nước. Berlin nhấn mạnh việc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc tế.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới, khẳng định sự thay đổi chính quyền tại Mỹ cùng với việc Anh rời khỏi EU làm nảy sinh nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới. Do đó, EU cần thúc đẩy các chính sách chung như quốc phòng, ngoại giao và kinh tế.
Cũng trong ngày 27/1, tân Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh Đức cần tranh thủ cơ hội mới ở châu Á khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và lấy đi công ăn việc làm của người dân Mỹ.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Đức và EU cần tiếp tục phối hợp để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới với các nước do “chúng ta sống phụ thuộc lẫn nhau”.
TTXVN/Tin Tức
© 2024 | Thời báo ĐỨC