Cảng dự kiến bắt đầu cung khí đốt từ ngày 22/12.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khánh thành cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của nước này ở thành phố cảng Wilhelmshaven tại Biển Bắc.
Thủ tướng Olaf Scholz sẽ chủ trì lễ khánh thành được tổ chức trên tàu Hoegh Esperanza, đây là nơi để tái hóa khí LNG.
Dự án cảng LNG ở Wilhelmshaven bắt đầu được xây dựng vào tháng 7 và hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục.
Trên tàu đã chứa lượng khí đốt từ Nigeria, đủ cung cấp cho 50.000 hộ gia đình trong một năm.
"Chúng ta đã quyết định rất nhanh rằngmuốn làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Đức sẽ có nguồn cung cấp khí đốt độc lập, không phụ thuộc. Đây là một ngày tốt lành cho nước chúng ta và dấu hiệu cho cả thế giới thấy rằng nền kinh tế Đức sẽ vẫn mạnh mẽ", Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh.
Các cảng LNG được dùng để tiếp nhận khí tự nhiên đã được làm lạnh và hóa lỏng để dễ dàng vận chuyển bằng đường biển.
Tàu tái hòa khí sẽ được nối với giàn nổi, lưu trữ LNG, sau đó biến nó trở lại thành khí sẵn sàng sử dụng.
Chính phủ Đức đã đầu tư hàng tỷ USD vào 5 dự án như dự án ở Wilhelmshaven và đang lên kế hoạch khánh thành 4 cảng LNG còn lại, cũng như một cảng tư nhân khác ở Lubmin.
Loạt dự án mới có thể xử lý 30 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, hơn 1/2 công suất của đường ống Nord Stream 1, nếu Berlin đủ khả năng đảm bảo nguồn LNG đầu vào.
Đức trước đó chưa có cảng LNG và phụ thuộc vào đường ống khí đốt của Nga. Nhưng từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.
Nước này phải dựa vào LNG được xử lý tại các cảng của Bỉ, Pháp và Hà Lan với phí vận chuyển cao.
Đức đã ký hợp đồng với Qatar để mua LNG cho cảng Wilhelmshaven, nhưng việc giao hàng sẽ không bắt đầu cho đến năm 2026.
Ông Klaus Mueller, lãnh đạo cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur, hôm 14/12 cho biết dự trữ khí đốt của Đức ở mức 92,45%.
Đức hiện không có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp về khí đốt, nhưng các hộ gia đình và ngành công nghiệp cần tiếp tục tiết kiệm trong bối cảnh đợt lạnh hiện nay.
Đức phải tiết kiệm ít nhất 20% mức tiêu thụ khí đốt và mức lưu trữ không được giảm xuống dưới 40% trước ngày 1/2 để tránh thiếu hụt.
Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, nước này sẽ không còn có thể duy trì mô hình kinh tế phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ Nga sau khi căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang.
Hồi tháng 10, ông Habeck cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Habeck kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa từ Mỹ khi hỗ trợ các đồng minh bị áp lực về năng lượng ở châu Âu.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô
© 2024 | Thời báo ĐỨC