"Nếu chúng ta không phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, họ sẽ phải đóng cửa", Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach nói với đài truyền hình nhà nước ARD ngày 16/10.
Ông cũng sẽ thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vào ngày mai về tăng cường khoản hỗ trợ liên bang cho các bệnh viện, song không tiết lộ con số chi tiết.
Tuần trước, Liên đoàn Bệnh viện Đức kêu gọi giới chức hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ và ước tính mức thiếu hụt tài chính cho chi phí vật chất, năng lượng của các bệnh viện lên tới 15 tỷ euro (14,6 tỷ USD) trong năm nay và năm 2023.
Trong khi đặt câu hỏi về cơ sở của con số này, ông Lauterbach thừa nhận rằng "các bệnh viện sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh khoản rất nghiêm trọng trong vài tháng tới".
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach trả lời họp báo tại thủ đô Berlin, ngày 14/10. Ảnh: AFP.
Các nước EU đang phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, khi giá khí đốt cao kỷ lục, làm gia tăng lạm phát trong khu vực đồng tiền chung euro.
Lạm phát tại Đức lên mức 10,9% vào tháng 9, cao nhất mọi thời đại kể từ khi quốc gia này thống nhất năm 1990, theo số liệu Văn phòng Thống kê Liên bang Destatis công bố ngày 13/10.
Nỗi lo lắng về khủng hoảng năng lượng đang lan rộng tại đầu tàu kinh tế châu Âu. Đức phát triển thịnh vượng nhờ xuất khẩu công nghiệp và nhập khẩu năng lượng giá rẻ tại Nga, nhưng khi nền kinh tế hứng chịu hệ lụy từ xung đột Ukraine, nhiều người bắt đầu hoài nghi về chính sách nền tảng của đất nước.
Cú sốc về giá năng lượng hiện tại, cộng với những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã làm giảm thặng dư thương mại của Đức. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn khác ngoài Nga.
Đức có khoảng 1.900 bệnh viện với 490.000 giường bệnh.
Đức Trung (Theo Reuters, RT)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC