Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ lần đầu dùng quyền phủ quyết để chặn một thương vụ tập đoàn Trung Quốc thâu tóm toàn bộ một công ty Đức, động thái cho thấy lập trường cứng rắn của Berlin với các thương vụ đầu tư từ Bắc Kinh.
Ngoài đất canh tác, Trung Quốc còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, sân bay, hải cảng đã được mua hay cố mua bằng tiền của Trung Quốc.
Bloomberg trích thông báo của Bộ Kinh tế Đức cho biết, nội các của bà Merkel ngày 1/8 đã biểu quyết để chặn thương vụ tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua toàn bộ công ty sản xuất thiết bị máy Leifeld Metal Spinning của Đức.
Chính phủ Đức đã thực hiện biện pháp phòng ngừa dù Yantai Taihai đến phút cuối đã rút lại đề nghị đầu tư, theo thông báo của công ty Leifeld.
Cuộc biểu quyết của chính quyền Thủ tướng Merkel được thực hiện sau khi Bộ Kinh tế nước này cân nhắc những tác động tiêu cực từ thương vụ tới các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia.
Leifeld có trụ sở ở thành phố Ahlen là một trong những nhà sản xuất kim loại chịu lực hàng đầu sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, không gian và hạt nhân.
Chuyên gia Mikko Huotari của viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Bertin) đánh giá rằng Đức đã ý thức được mối đe dọa từ Trung Quốc nhằm mục tiêu trở thành bá chủ công nghệ thế giới thông qua chương trình “Made in China 2025”.
Đây là kế hoạch nhằm chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài. Đứng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư của Bắc Kinh là các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian.
Theo Bloomberg, Đức đang cùng Mỹ và Canada có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc dường như đang lên kế hoạch để có thể tiếp cận các công nghệ "nhạy cảm" của các nước phát triển hoặc muốn lan rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách quản lý các công trình cơ sở hạ tầng chủ chốt bao gồm bến cảng, mạng lưới điện.
Từ khi Đức siết chặt các biện pháp chặn những thương vụ thâu tóm từ tháng 7/2017, có 80 thương vụ đã bị điều tra, trong đó có hơn một phần ba có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nhà đầu tư Trung Quốc. Chính phủ Đức chưa từng dùng luật để chặn một thương vụ đầu tư nào từ khi đạo luật kiểm soát các hoạt động đầu tư từ nước ngoài được công bố hồi năm 2004.
Để thiện hiện quan điểm cứng rắn, chính quyền Đức hồi tuần trước đã mua lại cổ phần ở công ty cung cấp điện lớn thứ 3 nước này, động thái nhằm chống lại ý định thâu tóm cổ phần của một công ty Trung Quốc.
Đức Hoàng
Theo Straits Times
© 2024 | Thời báo ĐỨC