Đức ra lệnh trừng phạt rắn với các nghi phạm sát hại nhà báo Saudi Arabia và đóng băng việc xuất khẩu vũ khí. Ảnh:WP.
Lệnh cấm có phạm vi áp dụng với tất cả các thành viên của khu vực miễn hộ chiếu Schengen của Liên minh Châu Âu. Theo Reuters, động thái này cho thấy Đức sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình trong vai trò quốc gia lớn nhất của EU để thúc đẩy những lằn ranh cứng rắn hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas cho biết, quyết định này đã có sự phối hợp chặt chẽ với Pháp, Anh cùng với các quốc gia EU. Pháp là thành viên của khu vực khối Schengen gồm 26 nước thành viên, trong khi Anh không phải.
Theo Ngoại trưởng Đức, các nước này đã bày tỏ “sự ủng hộ to lớn” cho quyết định này khi ông trình bày tại Brussels hôm thứ hai (19.11).
“Chúng tôi cũng đã có một tuyên bố chung về vấn đề vào cuối tuần này. Điều đó cho thấy, chúng tôi không hài lòng với kết quả điều tra cho đến nay… Và chúng tôi bảo lưu quyền thực hiện các bước đi tiếp theo” – ông nói.
Khi được hỏi về động thái Pháp có thể tiến hành, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết: “Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Đức vào thời điểm này… và chúng tôi sẽ rất nhanh chóng tự quyết định một số lệnh trừng phạt trên cơ sở những gì chúng tôi đã biết (về vụ sát hại)”.
Đức cũng đã gây sức ép cho các nhà sản xuất vũ khí nước này nhằm ngăn giao hàng. Một phát ngôn viên cho biết, “hiện không xuất khẩu vũ khí từ Đức sang Saudi Arabia”.
Đức đã ngưng cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí trong tương lai cho Saudi Arabia từ tháng trước.
Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào 15 thành viên của nhóm nghi phạm sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Riyadh ở Istanbul cùng với 3 kẻ tình nghi tổ chức vụ sát hại, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Christofer Burger. Tuy nhiên, Đức không công bố danh tính của 18 người này.
Khi được hỏi liệu Thái tử Mohammed bin Salman có nằm trong danh sách này không, người phát ngôn từ chối bình luận.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết, lệnh cấm sẽ được áp dụng ngay cả với những người có hộ chiếu ngoại giao.
Các chuyên gia ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, tác động chính của việc ngừng xuất khẩu của Đức sẽ ảnh hưởng tới việc đóng tàu tàu tuần tra của công ty tư nhân Luerrsen. Hợp đồng này bị ảnh hưởng sẽ đe dọa 300 việc làm tại một nhà máy đóng tàu ở bang Mecklenburg-Vorpommern.
Thêm vào đó, hợp đồng bán 4 hệ thống radar Cobra có sự tham gia của nhiều tập đoàn, trong đó có Thales, Airbus (Pháp) và Lockheed Martin (Mỹ).
Hiện vẫn chưa rõ việc đóng băng sẽ ảnh hưởng thế nào tới các dự án đa quốc gia như Eurofighter, có các công ty ở Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha.
BAE Systems – đơn vị dẫn đầu Eurofighter có hợp đồng trị giá 12,86 tỷ USD bán cho Saudi Arabia 48 máy bay Eurofighter Typhoon, từ chối bình luận. Khoảng 1/3 trong số bộ phận của hợp đồng này sẽ do Đức thực hiện.
Theo Lao động
© 2024 | Thời báo ĐỨC